Khủng Hoảng Tuổi 30

Từ lâu mình đã mường tượng được là 30 là một mốc quan trọng. Đây là thời điểm chuyển giao giữa tuổi thanh niên — trung niên; là khi mình không còn được coi là trẻ nữa, đã có sự thông thái và chín chắn nhất định. Và dưới góc nhìn của xã hội, 30 tuổi là mốc đạt được một số thành tựu về sự nghiệp – tài chính – gia đình nhất định.

Thực tế đúng là như vậy — bước qua mốc 30 mình đã thay đổi nhiều, và cũng đã làm được nhiều thứ nhất định. Nhưng cái không ngờ, mà cũng chẳng ai nói trước, là đây cũng là giai đoạn của sự hụt hẫng, mơ hồ, và thậm chí có một chút khủng hoảng về tâm lý và định hướng cuộc sống.

Tuổi Của Nhiệt Huyết

Những năm tuổi 20 mới bước vào đời; tuổi trẻ chưa trải nghiệm nhiều, nên lúc nào trong mình cũng có một sự tò mò về thế giới, một khao khát muốn khám phá, trải nghiệm. Bên trong luôn sẵn sàng năng lượng và khí thế, như mình có thể làm mọi thứ; như thế giới là của mình.

12h đêm một ngày tháng 12/2017, hai thằng rủ nhau đi chạy bộ. Không ngại giữa đêm, không ngại chân đất giữa trời lạnh 5 độ rét buốt: thích là đi chạy thôi.

Và quan trọng hơn cả là do mới bước vào đời, hoàn toàn trắng tay, và sẵn máu cạnh tranh cao và muốn làm được điều khó, nên mình luôn trong trạng thái rạo rực, đói khát, muốn chinh phục nhiều mục tiêu và thử thách.

Năm 18-19 tuổi mình đã mường tượng, một cách mơ hồ, về một số điều muốn đạt được trong những năm tới, ví dụ như: tạo ra ảnh hưởng tích cực lên nhiều người; tự do về tài chính, không phải chịu áp lực tiền bạc; có 6 múi, ngoại hình và full sức khỏe, không bệnh tật; vô địch một môn thể thao, một lĩnh vực nào; tự do về thời gian, không phải dậy sớm chen chúc đi làm mỗi ngày; viết và xuất bản một cuốn sách; tự đi một chuyến road trip đến những vùng đất xa, v.v… và còn khá nhiều mục tiêu nhỏ khác.

Khi đặt bất cứ mục tiêu nào, mình sẽ lên kế hoạch và nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp, cách thực hiện tối ưu nhất. Đọc sách, đọc diễn đàn, tìm hiểu từ người đi trước, hay thậm chí thuê thầy để hướng dẫn. Và khi mắt đã nhắm vào một mục tiêu thì mình sẽ bị ám ảnh bởi nó — y như câu nói của Paul Graham (tác giả về startup nổi tiếng): “It’s hard to do a really good job on anything you don’t think about in the shower.”

Và toàn bộ những năm 20 tuổi là một vòng tròn lên — theo đuổi mục tiêu, và tinh thần luôn trong trạng thái phấn khích, máu lửa, không hề có khái niệm lo âu hay trầm cảm.

What’s Next?

Khi qua ngưỡng 30, có thể nói mình đã tick được tất cả những đề mục trên. Có những thứ chưa phải là hoàn toàn đạt được, hoặc mới ở mức độ vừa phải, nhưng cũng gọi là đạt được. Chắc chắn là mình có thể nhìn lại và không thấy nuối tiếc về những năm tuổi trẻ đã qua đấy.

Nhưng bây giờ lại có một vấn đề mới: khi đã làm được mọi thứ mình đặt ra rồi, thì tiếp theo nên làm gì?

Đây có lẽ là vấn đề căn bản của việc gắn liền ý nghĩa và niềm vui quanh việc đạt mục tiêu. Khi đã chạm chân vào đích rồi, mình lại đứng chơ vơ ở đích và không biết đi đâu tiếp.

Tất nhiên mình luôn có thể kiếm nhiều tiền hơn, mua nhiều thứ hơn, có thể tiếp tục tập luyện để được nhiều huy chương hơn, có thể đi đến nhiều nơi hơn, trải nghiệm nhiều điều phong phú hơn, v.v… Nhưng một khi đã trải qua rồi, những điều này đều cảm thấy vô nghĩa.

Bản thân mình đã quen sống tối giản và không phải người tham lam ham của cải vật chất, nên chắc chắn thêm tiền không đem đến thêm hạnh phúc. Những trải nghiệm như du lịch, thi đấu,… cũng chỉ là một mục tiêu để đánh dấu tick, và khi đã đạt được rồi mình không còn cảm thấy khao khát muốn có được như lúc đầu nữa.

Cứ như vậy, một quãng thời gian dài của 2024 mình rơi vào trạng thái mất động lực, cảm thấy mọi thứ mình làm đều không còn ý nghĩa, không còn đem lại niềm vui như xưa. Có những ngày thấy chán nản, chỉ nằm lì trên giường, không hề muốn ăn uống hay làm điều gì. Thậm chí như việc chạy bộ — việc tưởng như là một hằng số mà mình luôn duy trì đều trong 14 năm qua — đến giờ mình cũng không buồn làm nữa, vì lại gặp phải suy nghĩ chạy để làm gì?

Đỉnh điểm của sự vô cảm này có lẽ là hôm bão Yagi vào Hà Nội; bên ngoài mưa đập và gió quật xối xả, giữa tâm trận bão mạnh nhất trong 30 năm qua, nhưng mình vẫn ngồi trong nhà… đờ ra, chẳng để ý gì. Đến khi mưa ngớt, mình ra ngoài và nhìn thấy xe bẹp dúm vì một cái lan can kính rơi thẳng vào nóc.

Cả bãi xe chẳng sao, riêng xe mình dính mới tài. Đã cố gắng đỗ xe né chỗ có cành cây rồi. Ai ngờ lại ăn quả lan can rơi vào đầu…

Như xưa là mình sẽ rất cáu tiết vì bỗng dưng họa rơi vào đầu. Năm 2022 có lần cánh cửa xe bị kẻ phá hoại rạch một đường mà mình cay cú bực hết vài hôm liền. Còn lần này thiệt hại nghiêm trọng hơn rất nhiều (vỡ nát cửa sổ trời, móp méo cánh cửa), nhưng mình nhìn và cũng chỉ… nhún vai, không cảm thấy gì. Không đủ quan tâm.

Tuy bị trơ cảm xúc vậy nhưng mình vẫn có một cái bực rõ ràng, đó là không thể tìm được giải pháp. Trước giờ mình luôn nhìn mọi việc một cách logic và cứ từng-bước-một để giải quyết, nhưng khi đối mặt với vấn đề mất tinh thần này lại không thể tìm được hướng đi. Và càng bực mình, thậm chí là thấy ngại và xấu hổ, khi thấy rõ ràng vấn đề của mình là một non-issue — không phải vấn đề thực — nhất là khi so với những áp lực cuộc sống mà bao nhiêu người khác đang phải đối mặt.

Không biết có phải mình bị dấu hiệu của trầm cảm không? Nhưng chắc chắn là trong quãng thời gian vừa rồi, việc tìm niềm vui trở nên khó khăn hơn rất-rất nhiều. Thật trái ngược với ngày xưa, khi mà mọi thứ mình làm, từ những điều nhỏ nhất như học bài, đi làm, đọc sách, xem phim tài liệu, đi tập, giao lưu,… đều đem lại niềm vui dù lớn hay nhỏ.

Tất Cả Ở Góc Nhìn

Tháng 9/2024, đi thi đấu giải vật tay ở Thái Bình, mình gặp một nhân vật mà khiến mình suy ngẫm rất nhiều về góc nhìn cuộc sống.

Tùng Lò Mổ. Vô địch vật tay Việt Nam hạng 70kg, đối thủ truyền kiếp của mình. Đã gặp anh Tùng hơn chục lần ở rất nhiều giải đấu khác nhau.

Tùng Lò Mổ – HCV. Thầy Giáo Hà – HCB. Chưa bao giờ thắng được 🤣

Anh Tùng có 4 đứa con, và làm nghềmổ lợn rất nặng nhọc — mỗi ngày bắt đầu lúc 1h sáng để kịp chuyển lợn ra chợ bán. Anh có đam mê mãnh liệt với môn vật tay và thường xuyên đi thi đấu. Giải Thái Bình này, mặc dù có thể đi ô tô nhưng anh Tùng phóng xe máy 3 tiếng từ Hà Nội xuống vì thích đi xe máy hơn. Và khi đến nơi, anh thi đấu đúng chất công tử, không quá nề hà chuyện thắng-thua; đơn giản là được vui vẻ và cháy hết mình khi được đấu môn thể thao yêu thích.

Trong khi đó mình quá sướng: ngồi ô tô mát mẻ xuống tận cổng, công việc văn phòng nhẹ nhàng, nhưng lại thấy trầm cảm? Thật ngược đời phải không. Những thứ mà khiến mình thấy là khổ, đáng ngại, thì lại là sự thích thú, niềm vui của người khác.

Tất nhiên chắc chắn ai cũng sẽ có những âu lo, phiền muộn cuộc sống. Nhưng mình chỉ biết là tuần nào anh Tùng cũng không ngại đường xa đi giao lưu vật tay, và lần nào cũng hăng hái “chiến” với bất cứ ai. Cứ được chơi là anh ấy vui cười không khác gì một đứa trẻ.

Tượng đài vật tay Tùng Lò Mổ

Có lẽ cuối cùng, chẳng có gì là ý nghĩa hay to tát cả. Niềm vui đến từ việc yêu thích những gì mình làm và trân trọng những gì mình có nhiều hơn là từ việc theo đuổi những gì mình chưa có.

Ngay ở blog này, ngồi đọc lại mới để ý là tinh thần của những bài viết chỉ từ vài năm trước cũng rất khác. Mình đã từng trân trọng việc được chạy bộ trong một ngày đẹp trời, đã từng nhìn lên mặt trăng và nghĩ về vẻ đẹp vĩnh cửu của nó, đã từng viết nguyên một bài về con wave cùi gắn liền với thời sinh viên — dù bây giờ đã có nhiều xe đẹp hơn xịn hơn, nhưng lại không vui bằng thời viêm màng túi lết wave khắp nơi đó.

Đã từng viết về cảm xúc của việc tập xà ngoài trời buổi tối, hay đơn giản là ngưỡng mộ một người lái xe cứu thương làm từ thiện, hay một người bị tai nạn cụt chân nhưng vẫn phấn đấu. Mới chỉ vài năm trước thôi mình vẫn biết nhìn để trân trọng những điều nhỏ trong cuộc sống, nhưng không ngờ tới giờ lại rơi xuống xa như vậy.

A Very Strange Time in My Life

Đến thời điểm viết những dòng này, tinh thần của mình đã khá hơn nhiều. Sắp tới có lẽ phải để ý đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn. Khi còn trẻ mình luôn cảm thấy như cả thế giới ở trong tay, luôn phấn chấn đầy năng lượng. Chưa kể mình theo chủ nghĩa khắc kỷ và sống rất lý trí, nên không bao giờ nghĩ là đến một ngày có thể bị trầm cảm gõ cửa.

Trong giai đoạn chùng tinh thần vừa rồi, mình mở xem lại Fight Club — một phim kinh điển về chủ đề tìm kiếm ý nghĩa giữa dòng chảy của cuộc sống vật chất vô nghĩa hiện đại. Mình xem phim này từ lâu rồi, nhưng hồi đó còn nhỏ nên chưa hiểu gì.

Nhân vật chính của Fight Club cũng là một người đàn ông khoảng 30 tuổi, làm một công việc cổ trắng vô hồn lặp đi lặp lại. Mục đích sống duy nhất của anh ta là mua sắm và tiêu thụ. Một nô lệ cho chủ nghĩa tư bản chính hiệu. Và đến một ngày, khi bị mất ngủ triền miên và khủng hoảng tinh thần vì thấy mọi thứ quá vô nghĩa và nhận thấy cảm xúc bị trơ, anh ta đã tìm đến những nhóm hỗ trợ cho bệnh nhân bị bệnh nan y để được giải tỏa cảm xúc.

Sau đó anh ta tạo ra Fight Club, nơi các thành viên lao vào đánh nhau để được xả hết bản năng đàn ông trong người và giải tỏa cảm xúc. Tuy vậy Fight Club dần biến tướng và đến cuối phim, nó trở thành một tổ chức khủng bố —  một phiên bản châm biến ngược lại của chủ nghĩa tư bản mà chính anh ta phản kháng từ đầu.

“You met me at a very strange time in my life”

Sau khi xem lại với góc nhìn mới, Fight Club có lẽ là phim hay nhất mình từng xem. Đến c uối, nhân vật chính đã giải phóng bản thân khỏi cám dỗ của cải-vật chất, và câu trả lời mà anh ta tìm được — nghe hơi sến — chính là… tình yêu. Lý do anh ta thoát khỏi khủng hoảng tinh thần và ngăn lại sự phá hủy của Fight Club chính là vì tình yêu cho nhân vật nữ.

Hiện tại mình cũng chưa rõ câu trả lời của mình, hay bước đi tiếp theo, là gì. Tất nhiên không phải đi đánh nhau. Nhưng một cái chắc chắn: mình sẽ phải chuyển tinh thần của những năm tuổi 30 sắp tới sang Enjoy & Appreciate — Trân trọng & Tận hưởng những gì mình có trong từng giây phút hiện tại, thay vì luôn trong trạng thái trẻ trâu, chỉ muốn lao vào theo đuổi mục tiêu như ngày xưa. Và nếu có thể lấy lại tinh thần lạc quan, tò mò về thế giới và trân trọng cuộc sống của những năm 20 thì còn gì bằng.

2 thoughts on “Khủng Hoảng Tuổi 30

  1. Thực ra trầm cảm có thể xảy ra với bất kì ai, dù cho điều kiện cuộc sống của họ có tốt đến đâu, nên bạn không nên thấy ngại nếu nhận thấy mình có vấn đề mental health.
    Với mình, awareness – nhìn nhận và chấp nhận mình gặp mental health là bước đầu tiên để đi tiếp trên hành trình chữa lành. Bạn hãy thử tìm cách để bày tỏ cảm xúc nhiều hơn nhé.

  2. Thực ra trầm cảm có thể xảy ra với bất kì ai, dù cho điều kiện cuộc sống của họ có tốt đến đâu, nên bạn không nên thấy ngại nếu nhận thấy mình có vấn đề mental health.
    Với mình, awareness – nhìn nhận và chấp nhận mình gặp mental health là bước đầu tiên để đi tiếp trên hành trình chữa lành. Bạn hãy thử tìm cách để bày tỏ cảm xúc nhiều hơn nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *