Phim Của Mood

Hồi lớp 11, mình thường xuyên săn phim hay để xem. Spirited Away luôn nằm trong top những tác phẩm vĩ đại nhất của nhiều trang review, nên mình quyết định chọn xem.

Xem xong rồi, cái cảm xúc ngay lập tức là… khó hiểu. Đúng là đồ họa, phối cảnh, âm nhạc của phim cũng hay đấy, nhưng mà câu chuyện lại rất khó hiểu. Có một con bé lạc vào thế giới linh hồn, xong bố mẹ tham ăn biến thành lợn, nên nó đi làm việc để cứu bố mẹ. Rồi nó yêu một con rồng đẹp trai, và cuối cùng thắng bà phù thủy để quay về thế giới con người!??

Lúc đó mình chỉ thấy cốt truyện khó hiểu, không có cao trào hay tình tiết rõ ràng. Nhưng review từ mọi nguồn đều ca ngợi hết lời mọi khía cạnh của phim, từ nghệ thuật kể chuyện, xây dựng thế giới, thể hiện cảm xúc và tạo dựng nhân vật, đến cả biểu tượng và ý nghĩa châm biếm về các vấn đề xã hội. Rõ ràng phim được Oscar hẳn hoi, lại là phim có doanh thu lớn nhất lịch sử Nhật Bản, phải có lý do.

Thế là mình tự nhủ là một ngày nhất định sẽ xem lại để hiểu kỹ hơn. Đặc biệt nữa là vì phim đi kèm bài nhạc rất hay Itsumo Nando Demo mà mình vẫn thường nghe.

Mười mấy năm trôi qua mà chưa có dịp xem lại. Đến đầu 2025, một loạt phim Ghibli được chiếu rạp ở Hà Nội, nên mình quyết định nhân tiện mua vé đi xem luôn.

Lần thứ hai xem này, cái mình để ý không còn là nội dung nữa (vì đã biết trước chuyện gì xảy ra rồi), mà là tâm trạng mà phim và thế giới được tạo dựng mang đến.

Spirited Away bản chất là tâm trạng của một đứa trẻ bướng bỉnh bỗng bị tách khỏi bố mẹ, bị thả vào trong một thế giới xa lạ và hỗn loạn, không hiểu mình là ai, xung quanh là những gì đang xảy ra. Cái duy nhất cô bé bám víu vào được là ước muốn giải cứu bố mẹ, và lòng dũng cảm, kim chỉ nam đạo đức để mò mẫm bước qua thế giới kỳ lạ đấy.

Cái tâm trạng của một đứa trẻ non nớt nhưng phải bước vào một môi trường lạ lẫm: lớp học mới, ngôi nhà mới, mà xung quanh chỉ toàn sự rối bời khi người lớn vội vàng với việc riêng của mình — chắc là ai cũng đã từng trải qua sự bỡ ngỡ, lạc lõng đấy.

Có một cảnh mình rất ấn tượng: Chihiro được Haku dìu ra ngoài cho đồ ăn và dỗ dành, khiến con bé bật khóc vì quá nhiều cảm xúc dồn nén vỡ òa, và cũng vì sự cảm động khi giữa thế giới xa lạ lại có người quan tâm giúp đỡ đến mình. Mình xem đến đoạn đấy, với nhạc nền là bài The Name of Life, mà cũng rưng nước mắt.

Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy khó tin. Thực sự không nghĩ là phim sẽ tạo nhiều cảm xúc cho mình như vậy.

Hoặc cảnh Chihiro ngồi trên tàu cùng Vô Diện tìm đến nhà bà phù thủy song sinh cũng khiến người xem bị bủa vây bởi một tâm trạng buồn vô định. Ai chẳng đã từng trải qua cái cảm giác ngồi trên xe đến một nơi mới, mắt đăm đăm nhìn cảnh vật thay đổi qua từng ô cửa sổ; suy ngẫm lại những gì đã trải qua và mơ hồ về những gì sắp đến, trong lòng đầy hồi hộp và cảm xúc lẫn lộn?

Quả thực là câu chuyện thì không bàn đến, nhưng cái nghệ thuật kể chuyện, tạo nên từng cảnh phim, xây dựng nhân vật và thế giới ma thuật nhưng lại rất thật của đạo diễn Miyazaki quá đỉnh cao. Ông tạo ra những cảnh kéo dài, không có nhiều hành động hay kịch tính xảy ra, để cảm xúc có thể dần xây dựng và được cảm nhận trọn vẹn bởi người xem.

Đến cuối phim đã hết, phần credits đã chạy và giọng ca quen thuộc của bài hát Itsumo Nando Demo cất lên, mà mình vẫn ngồi im ở ghế. Bị sốc vì quá nhiều cảm xúc. Thực sự không nghĩ một bộ phim dành cho trẻ con, đã xem từ 15 năm trước, lại có thể rung động cảm xúc của mình như vậy.

Nhiều khi xem một tác phẩm không nhất thiết vì nội dung, mà để hòa mình vào cái tâm trạng, cái vibe mà tác phẩm đấy mang lại. Tiện đây cần note lại luôn một số phim mood khác mà mình đã xem và cũng cần xem lại: Lost in Translation, Chungking Express, True Romance, 500 Days of Summer, Whisper of the Heart, Before Sunrise, Interstellar, v.v… tạm như vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *