(Note này viết tháng 12/2017 trên facebook, bây giờ mình repost ở đây).
“Shoe Dog” – Hồi ký của Phil Knight, người sáng lập Nike – có lẽ là quyển sách hay nhất mình từng đọc. Những sự kiện xoay quanh những ngày đầu thành lập Nike, tất cả suy nghĩ, trăn trở, thăng trầm cảm xúc, đều được Phil ghi lại. Thẳng thắn, khiêm tốn. Không chém gió trống rỗng, không dạy đời.
Hồi ký bắt đầu từ một thanh niên 24 tuổi đam mê chạy đường dài, trăn trở với suy nghĩ phải làm gì đó, phải để lại một dấu ấn trên thế giới. Đi qua những tháng ngày gõ cửa vay vốn ngân hàng để sản xuất giày, cầm từng đôi đi bán ở các sự kiện thể thao, mất ăn mất ngủ trên bờ vực phá sản, cho đến khi Nike lên sàn và Phil thành 1 trong những người giàu nhất thế giới.
Cái rút ra lớn nhất sau khi đọc, đó là: đừng theo đuổi đam mê. Làm những gì thực tế trước, nhưng hãy luôn mang đam mê theo mình. Rồi đến một ngày, với đủ sự lì lợm và nỗ lực, cơ hội và thời thế sẽ đến.
(Thời gian đầu khó khăn, Phil không thể tự trả lương bản thân. Ông đi làm full-time buổi sáng ở 1 công ty khác để kiếm sống, tối về mới lo công việc Nike.)
Tất nhiên nó đúng với ông này nhưng chưa chắc nó đã đúng với mình :)) Dù sao thì những trải nghiệm của tác giả cũng rất đáng quý, đáng để học hỏi và trân trọng. Cho người đọc cái nhìn thực tế về hành trình xây dựng 1 công ty lớn từ con số 0 là thế nào.
Đến cuối sách, Phil viết đoạn này mà mình cực kỳ tâm đắc:
God, how I wish I could relive the whole thing. Short of that, I’d like to share the experience, the ups and downs, so that some young man or woman, somewhere, going through the same trials and ordeals might be inspired or comforted. Or warned. Some young entrepreneur, maybe, some athlete or painter or novelist, might press on.
“Giá như tôi có thể sống lại toàn bộ quãng thời gian đấy. Hoặc ít hơn, tôi muốn chia sẻ lại trải nghiệm, tất cả những thăng trầm, để rồi một thanh niên trẻ đâu đó, đang trải qua những thử thách và khó khăn tương tự, có thể được truyền chút cảm hứng hoặc an ủi. Hoặc được cảnh báo. Một doanh nhân trẻ, có lẽ vậy, hoặc một vận động viên, họa sĩ hoặc nhà văn, sẽ tiếp tục và không bỏ cuộc.”
==========================
Một vài ấn tượng khác:
- Phil là một người siêu lì lợm và nỗ lực. Hồi cấp 3, ông xin bố đi làm thêm ở tòa báo của bố (bố là biên tập viên). Bố không cho, vì muốn con trai tự đi kiếm việc. Thế là ông đi xin làm ở tòa báo đối thủ, mỗi ngày chạy bộ 11km đi làm. Mỗi ngày, 11km đi và 11km về.
- “Trăn trở” có lẽ là từ chuẩn nhất để miêu tả tâm trạng của quyển sách. Mở đầu sách Phil là một thanh niên 24 tuổi, một VĐV chạy nhiều tiềm năng cấp tỉnh (bang Oregon). Trong 1 lần chạy, ông bị ám ảnh bởi suy nghĩ là mình phải xây dựng cái gì đó của riêng mình, phải để lại dấu chân cho thế giới. Trở thành một VĐV chuyên nghiệp? Không thể – không đủ trình. Chính trị gia? Càng không. Vậy thì là cái gì? Vậy đó – hành trình đi tìm tiếng gọi cuộc đời của Phil bắt đầu từ một suy nghĩ của tuổi 24.
- Chạy bộ là chủ đề lớn nhất, duy trì thường xuyên trong cả sách. Gần như ngày nào Phil cũng chạy 10km buổi tối sau khi làm về, dù stress, dù khó khăn, dù thiếu thời gian. Có 1 số đoạn Nike trên bờ vực phá sản – về chạy 10km. Đang bị kiện sát đít – vè chạy 10km. Lên sàn chứng khoán và tài sản bần 200 triệu USD – chạy 10km. Và quyển sách cũng bắt đầu bằng một lần chạy.
- Đam mê là cái duy nhất giúp vượt qua khó khăn. Nike vốn xuất thân từ các VĐV chạy; họ sản xuất giày chạy cho mục đích thể thao. Về sau nó mới thành mục đích thời trang, sau đó dấn sang làm quần áo, balô,… Nhưng thời gian đầu, cái duy nhất khiến Nike sống sót là niềm đam mê với chạy, sự khao khát muốn lan tỏa đam mê đấy đến với càng nhiều người càng tốt. Có những cảnh Jeff Johnson (nhân viên đầu tiên của Nike) lì lợm đem từng đôi giày đến các sự kiện chạy bộ, mời chào từng người. Hồi đấy đang là 1 thương hiệu vô danh, đang bị Adidas khổng lồ chiếm thị trường. Cái duy nhất giúp Nike bán được hàng là nhiệt huyết, đam mê chạy bộ và kiến thức thể hiện rõ trong từng câu nói của người bán – người sáng lập.
- 9 năm đầu, Phil không tự trả lương cho bản thân. Ông đi làm việc full time buổi sáng ở 1 công ty kế toán để kiếm sống, và đến tối mới lo chuyện giày dép.
Đến khi có vợ và con trai, ông mới làm việc full time ở Nike và tự trả cho mình 1 khoản là $18,000/năm. Lúc đó doanh số Nike đã lên đến gần triệu $. - Phil luôn đặt phát triển và mở rộng lên hàng đầu. Doanh số được bao nhiêu, ông tái đầu tư lại vào R&D, vào mở rộng cửa hàng, vào mua kho hàng tiếp. Thế là lúc nào tài khoản ngân hàng cũng âm, công ty luôn trong tình trạng thiếu tiền. 4-5 ngân hàng đều từ chối không cho vay.
- May mắn là yếu tố sống còn. Khi toàn bộ các ngân hàng đều quay lưng lại, Nike tưởng đã chết chắc rồi vì không có nguồn tiền để tái đầu tư nữa, thì đúng thời điểm đó (những năm 1970) Mỹ khuyến khích quan hệ giao thương với Nhật. Và rất tình cờ là Nike đang có nhà máy giày ở Nhật, bởi vậy đã được 1 công ty thương mại Nhật cho vay tín dụng siêu ưu đãi. Và sau đó, khi các nhà máy của Nike ở Nhật, Đài, Hàn đều đang có vấn đề, thì đúng lúc đấy Đặng Tiểu Bình mở cửa Trung Quốc. Năm 1980, Nike là công ty giày ngoại quốc đầu tiên vào TQ vào đặt nhà máy. Và sau đó ai cũng biết – TQ trở thành thị trường lớn thứ 2 của Nike.
- Một chủ đề lớn của sách là tình cảm và mối quan hệ cha-con trai. Mối quan hệ giữa Phil và người đồng sáng lập Nike – kiêm HLV chạy bộ của ông là Bowerman cũng giống như MQH giữa cha và con. Nửa đầu sách Phil nói nhiều về người cha của mình, và nửa cuối ông cũng thể hiện nhiều trăn trở và tiếc nuối, khi đã cố gắng dành thời gian cho con trai nhưng vẫn cảm thấy chưa bao giờ là đủ.