Sự Ác Quỷ Của Người Bình Thường

Thảm sát Nam Kinh là một trong những vụ thảm sát vô tổ chức tồi tệ nhất lịch sử nhân loại, xảy ra khi quân Nhật chiếm đóng Nam Kinh trong vòng 6 tuần vào năm 1937. Trong 6 tuần đó, lính Nhật lang thang ngoài đường và giết-hiếp dâm-tra tấn bất cứ người dân Trung Quốc nào họ gặp được. Hoàn toàn là theo ý thích cá nhân, chứ không phải từ mệnh lệnh cấp trên và có tổ chức như diệt chủng Holocaust hay Khmer Đỏ.

Vụ thảm sát này nổi tiếng bởi những hành vi man rợ rùng mình như: lính Nhật tổ chức cuộc thi xem ai chặt đầu nhiều người TQ nhất; hiếp dâm phụ nữ bằng que củi; dùng lưỡi lê mở bụng bà bầu rồi tung thai nhi lên trời; bắt bố hiếp dâm con gái trước mặt cả gia đình; ném người dân vào vại nước sôi; thiến sống đàn ông bằng kiếm; thiêu sống người, v.v…

Thực sự là tàn bạo đến mức khó hiểu, như ác quỷ chứ không phải con người nữa. Mình vô tình cán xe qua con chuột trên đường mà còn thấy rùng mình.

Hai lính Nhật tổ chức cuộc thi xem ai chặt đầu được nhiều người dân Trung Quốc nhất tại Nam Kinh

Nhiều năm trước, khi mình xem phim tài liệu về sự kiện này, có đoạn phỏng vấn một cựu lính Nhật.  Trên video là một ông già tóc bạc đeo kính ngồi trước hiên nhà, bình tĩnh kể lại những gì mà ông đã làm ở Nam Kinh. Đang phỏng vấn thì đứa cháu đi học về, và ông quay sang cúi chào cháu bé bằng nụ cười hiền hậu. Sau đó ông lại quay về camera và tiếp tục kể về việc… bắn vỡ sọ từng tù nhân Trung Quốc thế nào.

Ông cựu binh đó trước khi nhập ngũ đang học y. Sau khi kết thúc chiến tranh đã quay về hành nghề và là một bác sĩ được cộng đồng kính trọng.

Vừa xem mình vừa tự đặt một câu hỏi — vì sao một con người chăm chỉ, hiền lành, một công dân gương mẫu, một người bố người ông tốt bụng, được xóm giềng yêu mến, lại có khả năng thực hiện những hành vi man rợ thú tính vượt xa sức tưởng tượng như vậy?

Lời kể của Nagatomi Hakudo, bác sĩ người Nhật đã tham gia thảm sát Nam Kinh

Và đấy cũng là một câu hỏi rất lớn của lịch sử — vì sao những con người bình thường lại có thể gây ra những tội ác man rợ phi nhân tính? Kể cả trong những vụ diệt chủng khác như Holocaust hay Khmer Đỏ, những kẻ giết chính đồng bào của mình cũng chỉ là nông dân, bác sĩ, công an, giáo viên, thợ, kỹ sư, lái xe, những con người mình gặp hàng ngày ngoài đường, chứ không ai là sát thủ máu lạnh chuyên nghiệp cả.

Để tìm câu trả lời, mình rất muốn tới nơi có chứng tích lịch sử gần nhất là Phnom Penh để thăm quan bảo tàng diệt chủng và khu di tích cánh đồng chết. Có lẽ phải đến tận nơi, nói chuyện với những nhân chứng sống, mới có thể hiểu được phần nào.

Mong muốn cứ nung nấu như vậy nhưng lại chần chừ chưa muốn đi. Cho đến khi cuối năm ngoái mình xem First They Killed My Father và bị ấn tượng quá mạnh bởi kiệt tác điện ảnh về thời Khmer Đỏ này của Angelina Jolie.

Và thế là quyết tâm luôn, Tết 2024 mình nhảy lên xe lái một mạch xuyên Lào – Campuchia – Việt. Mục đích chính — thăm quan các khu di tích diệt chủng Khmer Đỏ.

Đích Đến: Phnom Penh

Hành trình đi xuyên Đông Dương hơn 4.000km

Bắt đầu từ 4/2/2024 (25 Tết), mình bắt đầu rời Hà Nội và hướng về cửa khẩu Cầu Treo ở Hà Tĩnh để sang Lào. Sau đó là một chuỗi ngày lái xe dọc nước bạn, vượt cửa khẩu Campuchia, thăm bảo tàng mìn ở Siem Reap, và dừng chân ở Phnom Penh.

Trước cổng vào Cánh Đồng Chết ở Phnom Penh. Chiếc xe cỏ Kia nhưng chạy rất khỏe và ổn định.

Câu chuyện trên chuyến đi có rất nhiều và có lẽ phải một bài riêng mới kể hết được. Ấn tượng lớn nhất là khi thăm quan bảo tàng Mìn ở Siem Reap, mình được biết Campuchia hiện là nước vẫn bị gài mìn nhiều nhất trên thế giới — dù đã hơn 30 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Hằng năm vẫn có rất nhiều vụ trẻ em và người dân dẫm phải mìn và bị cụt chân, thương tích, bỏ mạng.

Bối Cảnh của Bạo Lực

Trong bảo tàng mìn, mình đọc một thông tin vô cùng quan trọng: trong 8 năm từ 1965 – 1973, Mỹ đã thả gần 3 triệu tấn bom lên Campuchia với mục đích chặn đường phe cộng sản đưa quân và tiếp viện vào miền Nam trên đường Hồ Chí Minh. Lượng bom khổng lồ này đã cày nát vùng quê Campuchia, khiến dân thường thiệt mạng, nhà cửa tan hoang, không còn đất để cày.

Những vùng không quân Mỹ thả bom vào Campuchia 1967 – 1973

Trong thời gian này, nội chiến giữa quân Hoàng Gia Campuchia và quân Khmer Đỏ cũng xảy ra liên tục. Hai phe thường xuyên bắn giết nhau và kêu gọi dân chúng gia nhập phe của mình.

Bức ảnh phía trên khiến mình sốc và ấn tượng mãi: lính trẻ em phe Hoàng Gia mang về chiến lợi phẩm là đầu của lính trẻ em Khmer Đỏ vào năm 1974. Khi trẻ em phải đi chặt đầu lẫn nhau, mình có thể hiểu mức độ tàn khốc của nội chiến Campuchia.

Nói cách khác, người dân Campuchia đã trải qua 8 năm với chiến tranh, tàn sát xảy ra như một bối cảnh hàng ngày. Bạo lực đã thấm vào máu họ như một phần quen thuộc của cuộc sống.

Bởi vậy mà khi Khmer Đỏ nắm được quyền, những thứ bạo lực mà họ gây ra cũng chỉ là một phần tiếp diễn của những điều tàn khốc mà người dân Campuchia đã trả qua trong gần 1 thập kỷ. Với hệ tư tưởng điên rồ muốn xóa bỏ toàn bộ giai cấp trí thức, xóa sổ toàn bộ văn hóa, mô hình gia đình truyền thống, và đưa Campuchia thành một thiên đường cộng sản nông nghiệp, Pol Pot đã thực hiện những chính sách để người dân Campuchia quay sang tàn sát lẫn nhau.

Cái cây ở Cánh Đồng Chết, nơi lính Khmer Đỏ đập đầu trẻ em vào để giết.

Quân Khmer Đỏ (mà vốn không phải lính tráng chuyên nghiệp mà chỉ là những người nông dân, lao động thường) không chỉ tàn sát đồng bào của mình mà còn có những vụ tràn sang Việt Nam. Điển hình là vụ thảm sát Ba Chúc năm 1978 khi chúng thảm sát vô tội vạ dân thường ở Việt Nam: giết bằng súng, đập vỡ đầu bằng chùi, ném lựu đạn vào cả nhà đang ẩn náu, hiếp dâm phụ nữ bằng que củi, chọc lưỡi lê vào bụng bà bầu rồi tung thai nhi lên trời — tất cả như một trò tiêu khiển. Nghe giống hệt những gì quân Nhật làm ở Nam Kinh phải không? Bản chất tàn ác của con người ở đâu cũng như vậy.

Cành cây mà Khmer Đỏ dùng chọc thủng âm đạo phụ nữ Việt Nam. Chụp trong khu tưởng niệm nhà mồ Ba Chúc.

Với lính Nhật ở Nam Kinh, bối cảnh bạo lực họ trải qua đến từ 2 yếu tố:

  • Văn hóa cấp trên đánh đập cấp dưới vô tội vạ trong quân đội Nhật, khiến lính thường muốn trút  ức chế lên đối phương và dân thường gặp phải,
  • 6 năm tham gia chiến tranh ở Trung Quốc với nhiều trận chiến đẫm máu.

Ngoài ra còn một yếu tố tâm lý rất lớn: tất cả đều đã được tuyên truyền, nhồi sọ, và coi đối phương là hạ đẳng, không phải con người. Với quân Khmer Đỏ, chúng được tuyên truyền liên tục là tầng lớp trí thức thành thị là những ký sinh ăn hôi sức lao động của nông dân, còn Việt Nam là những kẻ xâm chiếm đất của Angkor và cần bị trừng trị thích đáng, trả lại vùng đất châu thổ Mekong cho người Khmer.

Còn quân Nhật trong suốt những năm đầu thế kỷ 20 được tuyên truyền rằng Trung Quốc là bọn dân mọi rợ, chỉ biết hút thuốc phiện và đánh nhau, phí phạm bao nhiêu tài nguyên trời phú. Trong khi đó nước Nhật chăm chỉ mạnh mẽ, lại bị thiếu hụt tài nguyên nghiêm trọng, nên rõ ràng lính Nhật có suy nghĩ là dân tộc thượng đẳng và được quyền thu phục, triệt hạ Trung Quốc.

Bởi vậy khi gặp những con người thuộc dân tộc kẻ thù/hạ đẳng kia, chúng có thể ra tay tàn ác không thương tiếc. Không khác gì mình coi con bò, con lợn là hạ đẳng và có thể giết mổ nhẹ nhàng.

Bất Cứ Ai Trong Chúng Ta

Sau khi đi Campuchia về, mình có xem phim tài liệu S-21: Khmer Rouge Killing Machine. Đạo diễn đã sắp xếp cho những cai ngục tàn bạo ở nhà tù S-21 (nay là bảo tàng Diệt chủng Khmer Đỏ) gặp lại hai tù nhân ngày xưa mà họ đã từng tra tấn dã man.

Những cai ngục đó, sau chiến tranh, lại quay lại sống cuộc sống vô cùng bình thường. Và trong suốt phim, người tù nhân liên tục hỏi Sao các ông có thể ác như vậy? Nhân tính để ở đâu? 

Và cuối cùng những cai ngục chỉ biết cúi gằm mặt, không có câu trả lời rõ ràng, mà cũng chỉ loanh quanh là Nếu chúng tôi không giết các ông thì chính chúng tôi sẽ bị cấp trên giết.

Vậy đó, chính họ cũng không thể có câu trả lời cho việc vì sao họ lại ác như vậy.

Lúc đi dọc Campuchia, mình mới nhận ra là có một tỉ lệ không nhỏ những người >60 tuổi ở đây đã tham gia vào chế độ Khmer Đỏ. Và khi gặp, họ cũng chỉ là những người dân chất phác hiền lành dễ mến. Nhưng hơn 40 năm trước thì…

Điều quan trọng cần phải nhớ là không phải bỗng một ngày đẹp trời những chuyện đấy xảy ra, mà nó là một quá trình nhiều năm trời sống trong bạo lực, trong tuyên truyền, và là kết quả của cả một chế độ tàn bạo. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có khả năng thực hiện những tội ác chiến tranh phi nhân tính đó, chỉ là môi trường có cho phép hay không.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *