Hạnh Phúc & Nghiên Cứu Cuộc Đời

Một trong những nghiên cứu khoa học ấn tượng nhất mà mình biến đến là Harvard Grant Study — nghiên cứu kéo dài gần 80 năm để trả lời câu hỏi: Hạnh phúc đến từ đâu? Làm sao để sống và già đi một cách khỏe mạnh, hạnh phúc?

Đây chắc là câu hỏi xưa hơn Trái đất mà ai cũng đã từng nghĩ đến. Mục đích cuối cùng của con người có lẽ cũng chỉ là tìm kiếm hạnh phúc.

Câu hỏi đơn giản vậy nhưng để tìm ra câu trả lời khách quan lại không hề dễ, vì “hạnh phúc” là một khái niệm quá trừu tượng. Ai cũng có thể trả lời chung chung như hạnh phúc đến từ sức khỏe, tình yêu, tiền bạc, sự nghiệp,… nhưng để có một câu trả lời  khách quan, đến từ dữ liệu khoa học, lại không hề đơn giản.

Để tìm ra câu trả lời, những nhà nghiên cứu ở Harvard đã tập hợp hơn 700 thanh thiếu niên đến từ các tầng lớp khác nhau, và theo dõi những người này suốt cả cuộc đời. Cứ hai năm nhóm nghiên cứu lại gặp những đối tượng và phỏng vấn chi tiết về cuộc sống, về góc nhìn, những biến cố, và đánh giá các chỉ số sức khỏe tâm lý, thể chất của họ.

Bắt đầu từ những năm 1940, nghiên cứu kéo dài gần 80 năm và thậm chí là bây giờ vẫn đang diễn ra. Mục đích cuối cùng là để tìm ra công thức để có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc dựa trên dữ liệu khoa học thực tế.

Theo dõi nghiên cứu này mình mới thấm một điều: bản chất con người, dù ở tầng lớp nào hay nơi nào trên thế giới, cũng đều như nhau. Mình cũng chẳng phải ngoại lệ.

Sách về cuộc đời của những người tham gia nghiên cứu

Mục Tiêu & Tuổi Trẻ

Thực ra lần đầu mình biết về nghiên cứu này là năm 19 tuổi. Lúc đó chỉ đọc qua loa, và chỉ nhớ hai chi tiết: 1/ đoạn đầu tham gia  nghiên cứu, những sinh viên đại học đều trả lời tiền và sự nghiệp là hai yếu tố quan trọng nhất để tạo ra hạnh phúc. Và 2/ đến cuối nghiên cứu, những nhà khoa học kết luận rằng chìa khóa đến hạnh phúc là warmth of relationship — sự ấm áp của các mối quan hệ.

Lúc đó đọc qua loa nên mình không để ý nhiều. Nhưng đúng là ở tuổi 18-19 thì ai cũng như vậy — nhiều tham vọng và hoài bão, muốn chứng tỏ bản thân.

Bản thân mình không phải dạng tham lam hay quan trọng việc phải giàu có, nhưng lại rất máu trong việc đặt mục tiêuthử thách bản thân.

Hồi đó mình đã tự đề ra một số mục tiêu căn bản muốn chinh phục như: được học bổng, tự chủ thời gian đi làm, tự lập tài chính, chín chấm ai eo, body thể hình sáu múi, có nhiều trải nghiệm, tự viết sách, vô địch một môn nào đấy, v.v… Toàn là những mục tiêu bề nổi để chứng tỏ bản thân là chính.

Thường khi đã khóa mắt vào một mục tiêu, mình sẽ bắt đầu dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng nguồn tài liệu, hỏi những người đi trước, thử nghiệm những phương pháp khác nhau, và rồi sẽ cố gắng mọi cách có thể để làm được. Có thể nói là khá tỉ mỉ và cẩn thận.

…Từ ngày đấy đến giờ đã hơn 10 năm, và tuổi 20 đã nhanh chóng trôi qua. Có thể nói mình đã chinh phục được hết những đỉnh núi đã đề ra. Không thể tự nhận mình là người thành công được, nhưng chí ít là những ô hoài bão cá nhân ở tuổi 20, thì bây giờ mình đã tick hết.

Và câu hỏi là khi đã đạt được hết rồi thì cái tiếp theo là gì? 

Năm 2023 có một quãng thời gian khá dài mình không còn cảm thấy máu lửa, muốn chiến đấu, theo đuổi mục tiêu như ngày xưa. Không còn thấy nhiều thứ muốn làm, không thấy được ý nghĩa. Thực sự là thấy nản và mất động lực.

Tình cờ là cuối năm 2023 mình xem một video của Veritasium — một kênh YouTube về khoa học mà vẫn thường theo dõi. Video nói về chính nghiên cứu này của Harvard.

Đến lúc này, mình mới nhớ lại từ khóa kết luận ngày xưa — sự ấm áp của mối quan hệ.

Điểm Chung Của Con Người

Những đối tượng tham gia nghiên cứu đến từ đủ thành phần trong xã hội — có những thanh niên đến từ những gia đình nghèo, mồ côi cha/mẹ, có những người trung lưu, thượng lưu, và thậm chí là siêu giàu – đại đại gia cũng có.

Xuyên suốt nghiên cứu, cuộc đời họ đi theo nhiều hướng và trải qua rất nhiều biến cố đa dạng: có người giàu nhanh nhưng về sau phá sản, có người ban đầu rất khỏe mạnh nhưng về sau nghiện rượu và ma túy, có người sống cuộc đời trung lưu bình bình cả đời, có người trở thành tổng thống Mỹ, có người trải qua nhiều cuộc hôn nhân, có người chọn sống cả đời không vợ con, v.v…

Nhưng điều thú vị nhất là: dù có trải nghiệm sống thế nào, dù ở địa vị hay đạt thành tựu nào đi nữa, thì cuối cùng tất cả đều đi đến kết luận là sự ấm áp của mối quan hệ là chìa khóa để có viên mãn tuổi già nói riêng và hạnh phúc cuộc đời nói chung.

Một điều thú vị hơn nữa mà nghiên cứu chỉ ra: sức khỏe tinh thần có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe thể chất. Trước giờ mình luôn nghĩ đơn giản là hai yếu tố này không liên quan tới nhau — muốn khỏe thì đi tập là xong chứ gì?

Nhưng thực tế là sự cô đơn dẫn đến stress, và khi cơ thể stress là sẽ thường xuyên trong trạng thái viêm nhiễm, dẫn đến ốm đau và mệt mỏi hơn. Và kể cả những người có mối quan hệ tốt, khi bị ốm họ vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc vì họ biết là sẽ có người ở bên là chỗ dựa cho mình.

Góc Nhìn Quá Khứ, Hiện Tại & Tương Lai

Từ 12 năm trước mình đã đọc về nghiên cứu này rồi. Nhưng hồi đó còn quá trẻ, chưa quan tâm tới một vấn đề quá xa vời như vậy, nên chỉ đọc lướt qua chứ không hề để ý.

Một phần là do mình lớn lên trong môi trường thiếu tình cảm gia đình truyền thống, nên vốn cũng chưa bao giờ coi trọng chuyện này. Và đến cả bây giờ, phải có số liệu và khoa học thì mới thấy bị thuyết phục và bắt đầu thay đổi suy nghĩ.

Vậy đó, một suy nghĩ ngắn đầu năm 2024. Học từ khoa học và từ những người đi trước, hiểu về bản chất và điểm chung của con người, để giúp mình định hướng được cái gì là quan trọng và nên ưu tiên, để về sau sẽ không phải nuối tiếc khi tuổi già đến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *