Làm Điều Phi Thường

Khi là trẻ con, chúng ta thường trầm trồ về những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Còn mình thì lại hay… hoài nghi, và thậm chí hơi tiêu cực.

Hồi tiểu học, sách giáo khoa có kể câu chuyện của thầy Nguyễn Ngọc Ký — người bị liệt mất hai tay, và phải miệt mài rèn luyện để viết bằng chân.

Phản ứng đầu tiên của mình khi đọc về câu chuyện này là “điêu!!”. Ngón chân ngắn cũn, không có sự linh hoạt và chính xác như ngón tay, thì điều khiển bút và tạo nét chữ kiểu gì? Nghe đã thấy vô lý rồi!

Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - “người thầy kỳ diệu” - ảnh 2

Sau đó khi học môn Lịch sử về sự kiện nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu, suy nghĩ đầu tiên của mình cũng là hoài nghi. Rõ ràng có gì đó không ổn. Thiêu sống có lẽ là cảm giác đau rùng rợn, kinh khủng nhất mà cơ thể có thể trải qua. Mình bị bàn là dí nhẹ vào tay, hay bị nước sôi bắn một giọt vào da, là đã giãy nảy lên vì đau rồi — huống chi là cả một ngọn lửa vây quanh người.

Tất cả những hình ảnh, video về nạn nhân bỏng mình xem được đều cho thấy sự vùng vẫy, lăn lộn, gào thét trong đau đớn khi bị lửa vây quanh. Đó là phản ứng tự nhiên của con người.

Vậy mà giữa ngọn lửa ôm trọn tấm thân gầy gò đó mà nhà sư vẫn ngồi im như tượng, chắp tay vái lạy? Rõ ràng là điêu; chắc ông này bị chuốc thuốc mê  hay thuốc gây tê trước rồi mới được như vậy! Đó là suy nghĩ của mình.

Burning monk: a warning tale. Thích Quảng Đức dropped a lit match… | by Ryan Torres | Medium

Thực ra thì hoài nghi về mọi việc cũng là điều tốt. Nó chính là nền tảng của tư duy phản biện.

Nhưng thực tế khi về sau tìm hiểu mình mới biết  là với đủ ý chí và luyện tập kiên trì thì con người có thể làm được những điều thực sự phi thường mà người tầm thường như mình khó có thể hiểu được.

Luyện Tập, Luyện Tập, Luyện Tập

Sau thời đi học đó, vì mặc định trong đầu là “chuyện điêu” nên mình cũng không để ý gì đến câu chuyện của hai nhân vật Nguyễn Ngọc Ký và nhà sư Thích Quảng Đức nữa.

Cho đến mười mấy năm sau, tình cờ trên YouTube mình xem một video của một người viết bằng chân. Cậu bé này viết nắn nón, rõ ràng từng nét, thậm chí còn đẹp hơn mình viết tay.

Đến lúc này mình mới nhíu mày và nghĩ, thực ra viết bằng chân cũng không phải việc gì quá phi thường. Mình thử quặp bút vào chân và cũng nguệch ngoạc được vài nét. Vậy thì với hàng năm trời kiên trì luyện tập, chẳng lẽ người ta không viết bằng chân nổi? Đơn giản vậy mà hồi xưa mình lại hoài nghi là chuyện vô lý được.

Câu chuyện của nhà sư Thích Quảng Đức cũng tương tự. Với người bình thường, chỉ cần chạm nhẹ vào bình nước sôi sẽ khiến mình giật tay lại trong vô thức — đấy là phản xạ tự nhiên.

Tuy nhiên khi đọc kỹ hơn về Phật giáo, mình được hiểu là những nhà sư luyện tập một dạng thiền sâu để kiểm soát, tách liền tâm trí khỏi những phản ứng vật lý của cơ thể. Có những thứ là tự nhiên với mình, nhưng với đủ luyện tập họ có thể vượt qua những cám dỗ, phản xạ vô điều kiện đó.

Câu trả lời… đơn giản vậy thôi: nhờ luyện tập. Nhà sư Thích Quảng Đức có thể ngồi im chắp tay niệm, không kêu gào đau đớn hay tìm cách dập lửa, đơn giản vì ông đã dành gần như cả cuộc đời luyện tập việc tách rời tâm trí khỏi những cơ chế vận hành bản năng của cơ thể.

Câu Trả Lời Là Luyện Tập

Không chỉ hai ví dụ trên, mà rất nhiều lần mình đã trầm trồ và tự hỏi “sao họ làm như vậy được!?”:

  • Họa sĩ vẽ đường phố hoàn thành một bức tranh chì chân dung siêu thực chỉ trong 1 tiếng;
  • Nghệ sĩ piano chỉ cần nghe một bài hát lần đầu là có thể tái tạo giai điệu đó trên piano;
  • Đấu sĩ thi ăn chuyên nghiệp có thể nhồi 70 cái hotdogs trong 10 phút — điều tưởng như phản vật lý với giới hạn của dạ dày;
  • Người thi đấu tính nhẩm chuyên nghiệp có thể giải một phép tính siêu dài chỉ trong vài giây.
Họa sĩ vẽ tranh siêu thực trong chưa đến 1 giờ: ông đã có 28 năm luyện tập để đạt level này.

Câu trả lời đơn giản: luyện tập. Những tay thi ăn chuyên nghiệp phải luyện tập nhiều năm trời để giãn thể tích dạ dày và vượt qua phản ứng nôn của cơ thể; những tay tính nhẩm chuyên nghiệp phải dành nhiều năm rèn luyện với nhiều loại phép tính khác nhau để có thể đạt tốc độ giải toán siêu nhanh.

Rất hiếm có gì là phép màu. Tất cả sự phi thường đều có thể được giải thích qua những nguyên tắc  như 10,000 giờ, qua sự bền bỉ luyện tập qua năm tháng.

1 thought on “Làm Điều Phi Thường

  1. Sắp 5 năm rùi, thầy Hà nhớ ra hạn nha 🙂 và viết tiếp đi mà :))

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *