Ngày nhỏ chắc là bố mẹ nào cũng từng bảo con là phải học hành chăm chỉ, sau này làm nghề trí thức, “ngồi phòng điều hòa máy tính”, chứ đừng đi làm công nhân thợ xây quét rác nghe con.
Cũng chẳng sai. Chẳng ai muốn con mình vất vả cả.
Vậy mà đến giờ, khi đã trải qua kha khá công việc khác nhau, cuối cùng mình lại nhớ nhất về những ngày làm việc chân tay, phục vụ trong nhà hàng. Có những cảm giác, những trải nghiệm mà chỉ có một ca làm liên tục đứng trên chân đổ mồ hôi nặng nhọc mới đem đến mà ngồi máy tính không bao giờ có được.
Adrenaline Rush
Khi đọc hồi ký của những người lính quay về từ chiến trường, có một thực tế khá thú vị: trong khi nhiều người bị sang chấn tâm lý (PTSD) hành hạ, không ít lại thấy nhớ những khoảnh khắc gần chết của chiến tranh.
Most veterans don’t miss the bloodshed or horrors of war, which is why we don’t talk about the details much. Instead, we miss the camaraderie we experienced. We miss the thrill of feeling alive, knowing a bullet could snatch our life in a split-second.
Phần lớn cựu binh không muốn nhớ về những giây phút đổ máu khủng khiếp. Thay vào đó, chúng tôi nhớ tình đồng chí. Chúng tôi nhớ sự hưng phấn từ cảm giác đang sống, khi biết rằng một viên đạn có thể lấy đi sinh mạng chúng tôi trong giây lát.
Ở giữa một trận chiến, tất cả mọi thứ đều biến mất: mọi lo âu, buồn chán, mọi ký ức tiêu cực, mọi suy nghĩ ám ảnh. Khi đạn bay qua đầu và sự hỗn loạn của chiến tranh nổ ra, cơ thể tiết ra adrenaline, đẩy nhanh nhịp tim để tập trung cao độ vào nhiệm vụ duy nhất trước mắt: chiến đấu và sống sót. Không có gì khác quan trọng nữa.
Đến khi trận chiến đã xong, khi mọi thứ đã lắng xuống, họ ngồi bệt xuống, thở dài, hút điếu thuốc cùng đồng đội. Một cảm giác nhẹ nhõm và an toàn ngập tràn khi biết cơn bão đã qua và bên cạnh mình là những người đồng đội vừa bước qua giông tố cùng.
Làm Bếp
Tất nhiên trải nghiệm của mình không thể so với sự sống chết của chiến tranh, nhưng hồi cấp III khi đi làm bếp, mình cũng có thể hiểu được cảm giác đấy.
Khi một ca làm bắt đầu là có một loạt công việc phải được xử lý ngay. Nhóm khách 4 người vào bàn số 8 phải ra lấy order; bàn số 5 vừa ăn xong cần được dọn; có một đơn takeaway lớn vừa đến; khách đang muốn đổi món; cần rửa và lau ngay số bát đũa này; cần sắp xếp cho bàn 3 tinh tươm chuẩn bị cho nhóm khách mới, cần bê ngay 10 đĩa đồ ăn này ra cho khách, v.v…
Bên ngoài đã tấp nập vội vã như vậy, bên trong bếp còn hỗn loạn hơn. Bếp trưởng liên tục hai tay làm, hò hét ra lệnh cho anh em phụ bếp để hoàn thành món ăn. Mồ hôi nhễ nhại từ hơi nóng của chảo lửa và từ áp lực của những đơn đến liên tục.
Một ca làm thời gian như được vặn dây cót. Nhân viên phục vụ phải đứng, không được phép ngồi. Trong lúc làm đầu óc và chân tay chỉ tập trung vào hoàn thành nhiệm vụ trước mắt để giữ cho mọi thứ trật tự. Không có thời gian để thấy chán, để suy nghĩ trôi dạt đi và xao nhãng.
Cái cảm giác tập trung cao độ, cơ thể liên tục di chuyển và vận động giữa hỗn loạn và áp lực là một cảm giác mà không một công việc trí óc nào có thể mang lại.
Và còn đáng nhớ hơn cả là giây phút sau khi kết thúc ca làm, sau khi thực khách cuối cùng đã về và nhà hàng đã được lau dọn, bát đũa đã được úp ngăn nắp và sẵn sàng cho ca hôm sau. Đây là lúc tất cả anh em trong nhà hàng ngồi xuống uống bia, chém gió, và cùng ăn bữa tối. Anh em đồng cảnh ngộ, đều là học sinh – sinh viên đi làm thêm kiếm sống với nhau, nên rất dễ nói chuyện chia sẻ.
Cái cảm giác được ngồi xuống sau một ca làm 4 tiếng mỏi nhừ, cơ bắp được nghỉ ngơi, adrenaline đã hạ đi, và trước mắt không còn áp lực hay sóng gió, chỉ còn đùa giỡn và thưởng thức món ăn cho dạ dày đang réo, là một cảm giác rất khó tả.
Đến tận bây giờ, khi đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau: viết báo, trợ lý, làm văn phòng, PT, giáo viên, quản lý, v.v… cuối cùng mình vẫn nhớ nhất những ngày làm nhà hàng đó dù mức lương chỉ bèo bọt. Rất, rất khó để có lại cái cảm giác tập trung cao độ dưới áp lực khi làm, và cái cảm giác nhẹ nhõm ngồi bịch xuống chém gió và ăn bữa tối với anh em sau ca của những ngày đi làm phục vụ bàn đó.