Đừng Đùa Với Say Xe

Mình luôn nghĩ say xe chỉ là một phiền toái nhỏ. Cùng lắm là chóng mặt nôn một bãi ra túi, rồi xuống xe là xong.

Sai hoàn toàn. Đến khi bị quay cuồng tới mức tê liệt, không biết trời đất là gì nữa, mới nhận ra say xe là một triệu chứng nguy hiểm mà dù mình khỏe tới đâu cũng có thể bị dính.

Lớn Rồi Phải Hết

Từ nhỏ mình đã có một chút lịch sử say xe. Đi xe con hay xe khách đều hay thấy nôn nao. Có một lần lúc 7 tuổi, đi xe con từ Hà Nội về Thái Bình có 3 tiếng mà nôn 3 lần. Hồi nhỏ rất sợ đi ôtô là vì vậy.

Về sau lớn lên thì việc say ít xảy ra hẳn. Tuy nhiên cảm giác khó chịu khi ngồi trên xe vẫn không hết hoàn toàn. Lần gần nhất là năm 2017, mình đi xe khách trên Hà Giang đèo núi ngoằn nghèo khúc khuỷu và phải nôn 1 lần.

Từ đó đến giờ mình cũng đi xe vài lần và không có chuyện gì. Vậy là chủ quan, nghĩ là bây giờ mình lớn rồi khỏe rồi thì không say được nữa, chỉ có trẻ con mới bị thôi.

Cho đến năm nay.

Quay Cuồng Quay Cuồng

Đầu năm mình đi xe giường nằm 7 tiếng. Lúc trên xe thấy hơi khó chịu, nhưng  khi xuống hết sức bình thường. Không hề nghĩ sẽ có vấn đề gì. Buổi tối ăn bữa cơm rồi đi ngủ. Đi đường xa mệt nên khó ngủ, nằm trằn trọc đến 5h sáng mới chợp mắt được chút.

8h tỉnh dậy với cảm giác như bị gõ chuông ở trong đầu. Buồn nôn dữ dội, chạy ra nhà vệ sinh cố đẩy ra nhưng không nôn nổi. Chóng mặt quay cuồng, và mất hoàn toàn cảm giác thăng bằng. Đi một bước là loạng choạng muốn đổ sang bên. Ngồi xuống phải mất 5 phút mới dần cân bằng được. Bất cứ hành động đổi tư thế nhỏ nhất nào — ngồi, cúi đầu, nằm nghiêng, nằm ngửa — đều khiến cơn choáng váng nặng thêm.

Gần như cả buổi sáng gục trong tư thế này…

Có nhớ trò Dizzy Bat (cắm đầu vào gậy và chạy vòng tròn xung quanh)? Cảm giác lúc đó của mình y hệt như vậy x 10, và kéo dài cả buổi sáng. Hoàn toàn bị tê liệt. Không đứng dậy, không suy nghĩ, không làm được việc gì. Chỉ có thể ngồi ôm đầu.

Cảm giác quay cuồng y hệt như trò này x 10 lần và kéo dài vài tiếng đồng hồ.

Đến chiều thì đỡ hơn. Vẫn còn một chút váng đầu, nhưng đã lấy lại được cảm giác thăng bằng và đã có thể đi ra ngoài.

Vì Sao Lại Thế!?

Câu hỏi duy nhất trong đầu lúc đó là tại sao. Lúc đó mình không hề nghĩ nguyên nhân là say xe, vì thường nếu có say cũng chỉ là khi ngồi trên xe chứ không thể nào “bom nổ chậm” đến ngày hôm sau được.

Nhưng không thể nghĩ ra nguyên nhân khác. Không phải ngộ độc thức ăn, không phải bị rối loạn tiền đình, và càng không phải say rượu.

Cuối cùng kết luận duy nhất là say xe. Tìm hiểu kỹ hơn mình mới biết:

  • Nguyên nhân của say xe là rối loạn giữa các giác quan chuyển động. Tai mình cảm giác có rung chuyển, nhưng mắt lại nhìn hình ảnh tĩnh. Não sẽ nghĩ rằng “giác quan đang bị tấn công bởi một độc tố nào đó!!” nên sẽ kích hoạt phản ứng giống như bị trúng độc. Bởi vậy mới có triệu chứng nôn mửa, chóng mặt.
  • Hơn 1/3 dân số bị say xe. Sinh ra đã vậy, không thể chữa được. Chỉ có thể cố gắng làm giảm bớt triệu chứng.
  • Triệu chứng say xe rất đa dạng: từ bị choáng váng nhức đầu nhẹ, tới nôn mửa và tê liệt, mất cảm giác thăng bằng hoàn toàn và thậm chí co giật, hạ nhiệt độ, tụt huyết áp. Hôm đó mình bị vào nhóm tương đối nặng.

Nhưng vì sao mình lại “dính chưởng” nặng như vậy? Hóa ra có 3 yếu tố kết hợp:

  • Mình nằm giường tầng trên ở cuối xe. Giường tầng trên xóc hơn tầng dưới. Ở cuối xe = xa trọng tâm, nên mỗi khi xe rẽ là mình bị “quăng quật” theo quán tính nhiều hơn là nếu ở giữa. Chưa kể xe chất lượng kém, đi đường mòn không phải cao tốc, và đi vào giờ cao điểm nên phải phanh liên tục, thành ra càng xóc hơn.
  • Đọc sách trên điện thoại. Đây là yếu tố khá bất ngờ: nhìn chung là không nên đọc sách, nhưng hóa ra đọc sách trên điện thoại sẽ khiến say xe nặng hơn là sách giấy hoặc e-reader. Nguyên nhân là do điện thoại quét và nháy màn hình liên tục và tạo ra nhức mắt. Bảo sao năm ngoái khi đi xe giường nằm về Hà Tĩnh mình đọc nguyên quyển sách trên Kindle mà không hề bị say.
  • Dạ dày trống trơn khiến say xe tệ hơn! Lúc này mình đang fast và cả ngày chỉ ăn một bữa tối nên lúc đi xe không có gì trong bụng. Hóa ra khoa học đã cho thấy triệu chứng say xe thường xảy ra sau khi thức ăn trong bụng đã được tiêu hóa hết. Nhưng ăn một bữa quá no cũng có thể bị say  nặng hơn. Tốt nhất là snack liên tục một đồ ăn nhạt như bánh mì để tránh dạ dày no quá hay trống quá.

Không Chừa  Một Ai

Thế đấy. Dù có tập luyện khỏe mạnh, cơ thể không có bệnh tật đến đâu, thì vẫn sẽ có những lúc gục ngã vì những lý do không thể ngờ tới.

Thực tế là có nhiều trường hợp phải nhập viện vì say xe.

Trước đó, bệnh nhân Pham Thị Liễu trú tại Hoàng Văn Thái, Hà Nội sau khi đi từ Vinh về Hà Nội đã phải nhập viện. Người nhà chị Liễu kể trên đường đi chị Liễu bị say xe. Dù đã sử dụng thuốc chống say, cao dán nhưng không hết triệu chứng nôn ói. Chị nôn chỉ còn ra dịch vàng. Về đến Hà Nội, chị Liễu nằm lịm đi và người lạnh dần. Gia đình phải đưa chị vào bệnh viện cấp cứu.

[…]

Hay trường hợp của Phạm Văn Bắc trú tại Hoàng Văn Thụ, Hà Nội. Là thanh niên khỏe mạnh nhưng cứ bước lên ô tô là anh Bắc nôn thốc, nôn tháo. Năm ngoái, anh Bắc đi Mộc Châu cùng cơ quan. Khi đến được Mộc Châu thì anh nhập viện cấp cứu vì tụt huyết áp. Anh phải ở lại Mộc Châu đến khi sức khỏe bình phục rồi về Hà Nội bằng xe máy.

Đây cũng là một bài học kinh nghiệm quý giá. Mình đã hiểu rõ hơn về hạn chế của cơ thể, và chắc chắn những lần đi xe hay máy bay sau sẽ biết phải làm gì để tránh “ăn đòn” như lần này. Luôn nhớ trong đầu: – ngồi giữa hoặc đầu xe, – nhìn ra ngoài, – đọc sách giấy/Kindle, và – ăn nhẹ bánh mì.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *