Thông Minh và Nỗ Lực

Hồi nhỏ mình hay được người lớn khen là “thông minh”. Thích lắm đấy, vì trẻ con đứa nào được khen vậy chẳng nở mũi 😏

Càng về sau, mình càng thấy việc được khen “thông minh” có hại nhiều hơn có lợi. Nó khiến trẻ con mất đi cái nhìn đúng về ý nghĩa của việc học tập và sự cố gắng, và về sau dễ dẫn đến nhìn nhận sai lệch về khả năng của bản thân.

“Thông Minh Lắm”

Hồi học tiểu học mình rất thích học Toán. Ngoài học trên lớp mình còn hay tìm đọc sách Toán nâng cao, mua tạp chí Toán tuổi thơ để mày mò thêm các bài Toán khó. Thế là ở lớp thường được điểm cao. Mỗi lần cô gọi lên bảng chữa bài là có một cách giải bài sáng tạo (mà thực ra là nhờ xem sách tham khảo nên biết).

Mỗi lần đấy cô lại khen “Bạn Hà thông minh lắm”. Lại còn được khen trước cả lớp nên phổng mũi thích lắm.

Sau đó cả trường có mỗi mình đỗ vào cấp II Hà Nội – Ams (do trước đó có đi học thêm luyện đề ở một thầy chuyên dạy vào Ams). Thế là thầy cô chú bác, họ hàng biết tin lại khen “con giỏi quá”.

Từ đó mình được thể nghĩ là mình thông minh rồi, nên bắt đầu sinh ra chủ quan và ỷ lại. Lên cấp II bắt đầu lười làm bài tập và không còn đam mê học như hồi cấp I.

Vấn đề là hồi cấp I mình toàn là đứng tốp đầu lớp, nhưng bây giờ trường chuyên nên xung quanh toàn bạn học giỏi. Thành ra lớp 6 – lớp 7 mình nhanh chóng tụt xuống nửa dưới lớp. Và càng bị tụt thành tích là càng nản, không hiểu vì sao “mình thông minh thế mà lại điểm kém!?

Và tệ nhất là những lần bị điểm kém và mấy đứa bạn bảo “mày 5 điểm à, sao dốt thế?”. Bị khủng hoảng tâm lý luôn 😂

Những ngày học lớp 8

Lúc sang New Zealand, vì chương trình học bên đấy dễ hơn hẳn ở Việt Nam, nên mình học lên điểm nhanh hơn các bạn bản xứ.  Các thầy cô lại khen “you’re a smart boy“. Đến lúc này, dù được khen nhưng không còn cảm thấy sĩ diện như hồi nhỏ nữa mà bắt đầu thấy bực bội nhiều hơn. Nếu thông minh  vậy, tại sao mình vẫn không đạt được những mục tiêu mình đề ra như được điểm tuyệt đối tất cả các môn?

Lợi Bất Cập Hại

Bản thân từ “thông minh” — sự nhanh nhạy, hiểu nhanh, tiếp thu tốt — ám chỉ một điều gì thuộc khả năng bẩm sinh. Hoặc là bạn thông minh và hiểu nhanh, hoặc là bạn đần độn và chậm hiểu. Ít nhất một đứa trẻ sẽ có cách hiểu như vậy.

Vậy nên gọi trẻ em là thông minh sẽ khiến nó hiểu là khả năng của nó là có sẵn và cố định, không phải một cái gì đấy có thể cố gắng thay đổi được. Nếu bạn được điểm 9 và mình điểm 5, cô khen bạn “giỏi/thông minh quá”, thì khác gì ám chỉ mình đần độn? Thậm chí ngạn ngữ mình còn có câu nói Cần cù bù thông minh, ám chỉ là đứa nào dốt mới phải học chăm để bù sự thiếu hụt trí tuệ của nó.

Nỗ Lực và Nỗ Lực

Vì thiếu định hướng và chỉ bảo từ nhỏ nên suốt bao nhiêu năm đi học, mình chưa bao giờ hiểu mục đích của việc đi học là gì. Mình luôn thấy việc học là vô nghĩa, chỉ là một chuỗi học thuộc lòng, chép bài, điểm phẩy, tổng kết, tuyên dương. Không để làm gì cả.

Đến về sau này mình mới hiểu trường học có một mục đích quan trọng là dạy cho trẻ về sự nỗ lực và chăm chỉ. Cuộc sống là một chuỗi những việc mình không thích nhưng phải làm. Và với trẻ con hay đòi hỏi ăn vạ, trường học là một môi trường quan trọng để rèn tính kỷ luật, phát triển thái độ làm việc. Còn những kiến thức học được ở trường thì… chắc 99% là vô dụng, quên ngay sau khi thi. Cái quan trọng nhất vẫn là sự rèn rũa kỷ luật và xây dựng nỗ lực trong trẻ em.

Bở vậy, cái người lớn cần khuyến khích là nỗ lực của trẻ. Ví dụ nếu được điểm tốt: “Con thấy chưa, cố gắng học nên điểm tốt đấy!”, hoặc “Chúc mừng nhé, con đã học và hiểu bài cẩn thận nên được điểm tốt!

Còn nếu không may trẻ điểm kém, quan trọng hơn cả là người lớn phải cho trẻ hiểu sai sót là chuyện không may, và với nỗ lực nó có thể sửa và được điểm tốt hơn. Còn những lời chê trách như “học dốt thế!?” chỉ khiến trẻ có tâm lý là bản thân mình yếu kém chứ không phải vì nỗ lực chưa đủ.

Định Hướng

Chris Langlan, người thông minh nhất thế giới, dành 20 năm làm bảo vệ vũ trường.

Mình cũng không rõ IQ của mình là bao nhiêu. Chắc là ở mức trung bình, hoặc cùng lắm nhỉnh hơn một chút.

Nhưng thực ra biết mình thông minh thế nào cũng không quan trọng, vì cuối cùng thì riêng bản thân việc thông minh không giải quyết được gì. Mình vẫn luôn nhớ câu chuyện về Christopher Langlan — người có IQ cao nhất thế giới (ước tính 195 – 210). Ông có khả năng đọc hiểu và tư duy vượt trội, hoàn toàn có thể trở thành một vĩ nhân về khoa học như Einstein. Tuy nhiên do lớn lên trong môi trường nghèo khó, gia đình bất ổn, ông thiếu định hướng từ nhỏ và thiếu kỹ năng mềm trầm trọng. Cuối cùng ông bỏ lỡ nhiều cơ hội học tập và dành phần lớn cuộc đời làm các công việc chân tay như thợ xây, bảo vệ.

Nếu có thể quay lại nói chuyện với mình hồi 6 tuổi, chắc chắn mình sẽ cho thằng bé hiểu mục đích của việc đi học không phải là để học giỏi, mà để cho nó thấy nỗ lực và kỷ luật sẽ dẫn đến kết quả. Vì cuối cùng thì trong thế giới thật, ít ai quan tâm bạn thông minh đến cỡ nào, mà người ta chỉ quan tâm bạn có làm được việc hay không.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *