Cửu Long Trại Thành: Kỳ Bí và Thực Tế

Gần đây mình dành nhiều thời gian tìm hiểu về Cửu Long Trại Thành (CLTT – Kowloon Walled City) — một “thành phố” đã từng tồn tại ở Hồng Kông. Gọi là “thành phố” trong ngoặc kép vì đúng ra đây là một khu ổ chuột khổng lồ nằm trong Hong Kong. Điều đặc biệt là nó tách rời hoàn toàn khỏi quản lý của chính quyền, và bên trong gần như không có kiểm soát của chính phủ — không có quy hoạch, không có xây dựng, gần như vô luật lệ, và vào thời kỳ đông đúc nhất giữ kỷ lục về mật độ dân số thế giới — 1,85 triệu người trên km2!

Tuy nhiên càng tìm hiểu mình càng thấy là CLTT đã được truyền thông hiện đại lãng mạn và kỳ bí hóa khá nhiều. Thực tế nó cũng chỉ là nơi ở của những người dân nghèo cố gắng kiếm sống và thoát ra khỏi chính khu ổ chuột đấy. Và nhìn kỹ hơn, nó cũng có nhiều nét tương đồng với những khu tập thể cũ kỹ trong khu phố mình mà ngày xưa đã từng khiến lũ trẻ con hoảng sợ khi nghĩ đến.

Lịch Sử Đặc Biệt

CLTT có một lịch sử đặc biệt: tuy nằm sâu trong lãnh thổ Hong Kong nhưng lại do Trung Quốc quản lý. Để ngắn gọn thì vào cuối những năm 1800, sau chiến tranh thuốc phiện, HK bị tách ra khỏi Trung Quốc và trở thành thuộc địa của Anh Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc không muốn nhượng toàn bộ Hong Kong cho Anh, vậy nên vẫn có một vài khu vực thuộc điều khiển của Trung Quốc — trong đó có CLTT, vốn là một pháo đài quân sự được vây quanh bởi tường thành của TQ.

Trong thế kỷ 20, có một lượng lớn người dân Trung Quốc tị nạn chạy khỏi lục địa trốn sang HK. Hàng chục nghìn người dân tị nạn nghèo dồn vào khu ổ chuột CLTT ở với điều kiện sống chật chội, tối tăm, bẩn thỉu. Và bởi CLTT trên lý thuyết vẫn thuộc quyền quản lý của TQ nên luật pháp HK không áp dụng hoàn toàn ở đây, tạo điều kiện cho việc xây dựng bừa bãi không có quy hoạch, các băng đảng tội phạm, các loại hình tệ nạn như mại dâm, cờ bạc, ma túy, các doanh nghiệp hoạt động không giấy phép mọc lên. Về sau, do giá thuê nhà cực rẻ nên ngày càng nhiều người dân và doanh nhân đổ về đây sinh sống làm ăn.

Chính quyền HK khá gai mắt khi giữa thành phố hoa lệ lại có một khu ổ chuột lộn xộn vô tổ chức, nên đã một vài lần lên kế hoạch phá dỡ CLTT. Tuy nhiên TQ luôn cố níu giữ nó như một biểu tượng chính trị, nên cuối cùng “thành phố” này tồn tại gần 100 năm giữa Hong Kong.

Cuộc Sống Ở Nơi Đông Đúc Nhất Thế Giới

Lần đầu tiên mình biết đến CLTT là từ một bài báo về những nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới. Không phải New York, Singapore, Ấn Độ, mà chính là một khu dân cư nhỏ xíu trong lòng Hong Kong: 50.000 người sống trong CLTT trên một diện tích 2,7 hecta (tương đương 5 sân bóng đá). Có nghĩa là 1,85 triệu người/km2! Để so sánh, quận dày đặc nhất Hà Nội là Đống Đa có mật độ 35.000 người/km2. Thử tưởng tượng dân số quận Đống Đa bỗng tăng gấp 50 lần!

Sau đó mình tìm hiểu thêm và đọc được infographic rất thú vị này về cuộc sống trong CLTT. Infographic gốc bằng tiếng Anh, mình đã dịch sang tiếng Việt (nguồn):

Nguồn: báo South China Morning Post

Infographic này miêu tả cuộc sống ở CLTT như một khu tổ hợp nhà ở khổng lồ đầy thú vị, nơi người dân tuy nghèo vật chất nhưng sống khăng khít với nhau và tách biệt thế giới bên ngoài. Infographic này đã khiến mình tò mò, tìm kiếm xem phim tài liệu, đọc sách, các bài báo khác nhau để hiểu nhiều hơn về “đại kiến trúc” độc đáo này. Và quả thật CLTT có những nét độc đáo không đâu có: ví dụ như các khu nhà được xây dày đặc tới mức người dân có thể đi từ đầu này sang đầu kia của thành phố hoàn toàn trên mái nhà, không chạm xuống mặt đất!

Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ hơn sẽ dễ thấy được một thực tế rất… bình thường và u ám: nơi đây chỉ là một nơi ổ chuột mà những người dân nghèo cố gắng sinh sống và thoát ra ngoài khi có thể.

Để cảm nhận rõ hơn, đây là một vài hình ảnh về cuộc sống hàng ngày ở CLTT do nhiếp ảnh gia Gred Girard ghi lại (nguồn):

Một con phố ẩm mốc và đầy rác và nước thải
Tiệm cắt tóc
Chế biến chả cá
Nhân viên đưa thư
Một người dân trong căn phòng diện tích 2.5m x 4m
Bữa cơm gia đình
Nhà ở kiêm cửa hàng tạp hóa
Phòng khám nha sĩ
Rác thải ngập tràn mái nhà và các con ngõ. Các tầng dưới phải lắp lưới chắn rác.

Một thứ mà chắc chắn những tấm hình không thể ghi lại được, đó là mùi. Mùi hôi thối của rác rưởi, nước thải, xác và phân chuột. Chỉ cần nhìn đã phải nhăn mặt khi tưởng tượng ra cái không khí ở đó

Không Nhìn Đâu Xa

Bên cạnh những hình ảnh vô cùng chân thực ở trên, mình cũng đọc lời kể của những người dân sống tại đây. Một cái nhìn dễ thấy là: đây cũng chỉ là một khu ổ chuột thu hút nhiều người tới ở vì giá thuê rất rẻ, nơi mà người dân nghèo có cuộc sống chật chội, khó khăn và phần lớn đều mong muốn thoát ra khỏi càng sớm càng tốt.

Nhìn kỹ hơn thì thấy ngay gần nhà mình có một khu tập thể cũ xuống cấp nghiêm trọng mà có vẻ cũng không quá khác biệt với thành phố tường thành này: tập thể C5 Quỳnh Mai — mệnh danh là khu tập thể tồi tàn nhất Hà Nội. 

Ngoại thất mục nát, xuống cấp của nhà C5. Các tầng trên có vẻ hoàn toàn không có người ở.
Bên trong ẩm thấp, tối tăm, tường đã mục nát
5-6 căn hộ chia sẻ một nhà vệ sinh. Nước tầng trên rỉ xuống khiến nhà vệ sinh liên tục hôi hám.
Do mỗi tầng chỉ có 1 nhà vệ sinh nên các hộ dân phải nấu ăn ngoài hành lang

Thậm chí hồi nhỏ, vì nhà C5 đối diện cổng trường học và ngay ở ngoài có một cổng dẫn vào hành lang tối om hun hút lún sâu xuống dưới đất, nên nó trở thành chủ đề bàn tán của đám trẻ con hiếu kỳ. Mỗi giờ đi học về bọn trẻ con chỉ vào đó và đồn với nhau là bên trong có… xác chết. Có một lần bọn mình thách nhau xem ai dám chạy vào trong hành lang đó. Mình nhớ đã mở cổng sắt, chạy được đúng 3 bước thì ngay lập tức quay đầu lại vì sợ.

Hành lang tối om và lún sâu xuống đất ở mặt nhà C5 đối diện trường học

Vậy đó, thực sự là nhìn những hình ảnh của nhà C5 mình thấy không quá khác so với khu CLTT bên Hong Kong là bao. Cuối cùng nó cũng chỉ là một khu ổ chuột nghèo khó và chật chội mọc lên từ sự cần thiết và thiếu thốn.

Thành phố đã bị san phẳng và thay thế bởi một công viên

Đọc các comment trên Internet, dễ thấy không chỉ mình mà rất nhiều người cảm thấy đặc biệt quan tâm tới thành phố này. Truyền thông hiện đại đã miêu tả CLTT với một nét độc đáo, lãng mạn nhất định: rất nhiều phim, video game, manga, tiểu thuyết lấy bối cảnh CLTT như một một xã hội tăm tối, vô luật lệ — điển hình của ác mộng đô thị hóa .

Không thể phủ nhận có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc dựa trên thành phố này. Ví dụ như game Stray: người chơi nhập vai một con mèo trong một thành phố robot khổng lồ lấy cảm hứng từ CLTT. Chắc chắn nếu một ngày có PS5 mình sẽ phải chơi game này.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *