Chấn Thương Và Tuổi Trẻ

Hồi trước mình hay được đọc là “càng có tuổi, cơ thể sẽ càng rệu rã và không nghe lời mình nữa”. Lúc đó đang đầu 20 — là lúc sung sức nhất, nên mình chưa bao giờ thực sự hiểu được câu nói đấy.

Và bây giờ, khi càng gần ngưỡng 30, mình mới càng thấy là thời gian không tha một ai cả. Mình vẫn khá khỏe, nhưng những dấu hiệu của tuổi tác đang càng thể hiện rõ — nhất là với việc luyện tập và xử lý chấn thương thể thao.

Không Thể Gục Ngã

Khi trẻ, cơ thể có khả năng hồi phục cao và có một nguồn năng lượng tưởng như vô tận.

Năm 2012 mình bắt đầu tập chạy bộ. Từ xuất phát điểm là không chạy liên tục quá nổi 5 phút, mình đã kiên trì gần như ngày nào cũng chạy, và sau 4 tháng đã chinh phục được một mốc đáng kể là chạy 5km dưới 20 phút.

Đây là lúc thực sự sung sức, cảm giác không gì có thể cản được. Một hôm trong lúc đang chạy thì trời mưa, mình hăng máu bỏ giày bỏ tất ra chạy chân đất liền 16 cây số. Cảm giác chạy bộ chân đất giữa trời mưa mùa hè phê khó tả. Lúc đấy mình có thể chạy được lâu hơn nữa, nhưng vì đến giờ nên phải dừng lại.

Hai hôm sau đang trên đà tiến tới nên tiếp tục chạy chân đất. Lần này là 18km. Vẫn băng băng không hề vấn đề.

Và… đến ngày thứ ba, bàn chân trái bỗng phồng rộp lên và đau nhói. Cứ dồn lực vào là đau. Không thể đi lại bình thường, phải cà nhắc.

Không hiểu đây là chấn thương gì nên mình đăng câu hỏi lên diễn đàn chạy bộ letsrun. Tất cả trả lời đều kinh ngạc trước sự… ngu ngốc thiếu tìm hiểu của mình.

Khi đó mới biết là chạy chân đất phải hết sức bình tĩnh. Do cả đời mình đã quen đi giày, có lớp đệm bảo vệ bàn chân, nên có rất nhiều cơ và gân ở bàn chân bị teo. Để tránh chấn thương đột ngột, mình cần phải đi chân đất hết sức từ từ: bắt đầu bằng chạy nhẹ 100m, sau đó tăng dần dần để bàn chân có thể thích nghi. Nếu đang quen đi giày mà đột  ngột chạy chân đất quá dài có thể dẫn đến các chấn thương viêm gân nghiêm trọng.

Vậy mà mình chạy một phát liên tục 34km chân trần trong 2 ngày! Trên diễn đàn ai cũng bảo là đúng ra mày phải in excruciating pain (đau thấu xương), và cứ xác định là mất nửa năm mới khỏi chỗ viêm gân bàn chân đấy đi! Đọc mấy bình luận đó mà toát mồ hôi hột. Lúc đó đang trên đà nghiện chạy bộ, nghĩ đến việc phải nghỉ chạy nửa năm mà nản khủng khiếp.

Kết quả là 1 tuần sau chân đã khỏi, lại chạy bộ bình thường. Sau đó mình chuyển sang đi giày lại, và phải đến năm 2015 mới bắt đầu quay lại chạy chân đất.

Năm 2015, lần đầu tiên chạy half marathon (21km) chân đất

Bây giờ nhìn lại mình mới thấy là tốc độ phục hồi ngày đó quả thực là đáng kinh ngạc. Nếu một chấn thương tương tự mà xảy ra bây giờ, dễ có khi mình phải nghỉ mất nửa năm thật!

Khi Tuổi Tác Đến

Chấn thương bàn chân đấy là một kỷ niệm mình nhớ rõ nhất. Ngoài ra có rất nhiều lần mà thực sự là nhờ tuổi trẻ nên cơ thể mới có thể phục hồi nhanh. Hồi 2014 mới tập thể hình, mình còn muốn tập cả strongman để có thể “khỏe toàn diện”. Thế là đi tìm bao cát 50 cân về tập. Mùa hè năm đấy sáng tập thể hình với tạ ở nhà, chiều bê bao cát lên xuống 5 tầng cầu thang tập thể. Trong tuần còn đạp xe và chạy bộ hùng hục.

Bây giờ mà bảo vận động với cường độ như vậy chắc chắn mình chịu hoàn toàn luôn.

Đến 2019, mình bắt đầu tập môn vật tay. Cùng tập và thi đấu với mình có rất nhiều các em 2001, 2002, 2003. Và một điều mình nhanh chóng nhận ra: dù chỉ lệch nhau <10 tuổi nhưng khả năng phục hồi và chịu đựng của những VĐV trẻ tuổi này hơn mình rõ rệt.

Vật tay là một môn gây áp lực rất lớn lên gân và khớp, đặc biệt ở vùng cổ và khuỷu tay. Chấn thương khuỷu tay là cực kỳ thường gặp — gần như bất cứ ai chơi môn này đều từng trải qua đau nhức vùng cùi chỏ.

Viêm gân khuỷu tay rất phổ biến trong các môn cần gập-duỗi cánh tay như đánh golf, ném bóng, vật tay

Một năm trở lại đây, mình cũng bị chấn thương gân vùng cùi chỏ. Lúc đầu cũng cố gắng bỏ qua tiếp tục tập, nhưng đến tháng trước thì viêm gân phát mạnh tới mức không thể tập một số bài liên quan tới duỗi tay. Không lên xà hay cuốn tạ được. Buổi tối đi ngủ mà gập cánh tay lại là sáng hôm sau đau nhói, phải ôm tay mà duỗi ra từ từ.

Từ đó đến giờ mình đã nghiên cứu nguyên lý của chấn thương này và tìm ra các phương pháp phục hồi liên quan tới vật lý trị liệu. Sau khi nghỉ tập và tập trung vào phục hồi chấn thương, đến giờ cũng đã đỡ đau phần nào và có thể quay lại tập dần.

Vậy mà các thanh niên 2k2, cũng bị chấn thương cùi chỏ giống mình, vẫn tập… như không có gì. Chỉ cần nghỉ 1-2 tuần là các em đã sẵn sàng lao vào vật nhau như trâu. Chẳng khác gì mình hồi chạy bộ ngày xưa — tốc độ phục hồi khó tưởng.

Tập Như Mình 30

Một điều rất quan trọng mình rút ra được từ lần bị chấn thương vật tay dai dẳng này, đó là để có thể thi đấu và cạnh tranh với các VĐV trẻ hơn mình cần phải tập thông minh hơn rất nhiều. Phải hiểu giới hạn của cơ thể, và phải chủ động tập các bài phục hồi và phòng tránh chấn thương. Không thể cứ cậy sức trâu mà lao vào tập như ngày xưa.

Hồi trước, mình không bao giờ khởi động hay làm nóng. Dù là tập tạ cả trăm cân, chạy bô 30-40km, hay chơi bất cứ môn thể thao nào, mình luôn có thể nhảy thẳng vào và sẵn sàng chiến luôn. Dù đọc rất nhiều lời khuyên về sự quan trọng của làm nóng nhưng mình chưa bao giờ cảm thấy cần thiết.

Đến bây giờ thì… thôi, luôn phải bình tĩnh khởi động một chút. Cẩn tắc vô áy náy. Những ngày 20 tuổi không còn nữa rồi, giờ phải tập theo kiểu 30 thôi :'(

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *