Chạy Bộ Chống Lại Thiên Nhiên

Tuần trước vừa xảy ra một thảm kịch ở Trung Quốc: 21 VĐV tham gia một giải chạy ultra-marathon 100km thiệt mạng vì thời tiết khắc nghiệt. Giải đua tổ chức ở một vùng núi đá hoang sơ, không có dân sinh sống. Sau khi xuất phát khoảng 5 tiếng thì có mưa đá, nhiệt độ hạ xuống âm độ nhanh chóng cùng gió giật mạnh khiến các VĐV bơ vơ giữa núi đá không có ai hỗ trợ xung quanh, và cuối cùng nhiều người bị chết vì mất nhiệt (R.I.P).

Mình rất sốc khi biết tin này. Mình không phải dân chạy bộ hạng nặng (100km giữa núi đá là cự ly quá khủng khiếp), nhưng trước giờ mình cũng có tham gia một vài giải chạy ở thiên nhiên hoặc trong điều kiện tương đối khắc nghiệt. Những sự kiện đau thương như ở Trung Quốc vừa rồi lại là lời nhắc nhở khiến mình hiểu giới hạn nhỏ bé của bản thân và biết tôn trọng thiên nhiên hơn.

Sốc Nhiệt

Bất cứ ai từng chạy bộ đủ lâu cũng sẽ trải qua cảm giác quay cuồng, khi cơ thể đã muốn sụp đổ nhưng vạch đích vẫn còn ở xa và tâm trí cảm thấy thời gian như đang ngừng trôi (mà thực ra cảm thấy thời gian qua chậm là vì mệt quá, cứ 30 giây lại nhìn đồng hồ xem được  bao lâu rồi!).

Năm 2016 mình đang trong giai đoạn chạy khá khỏe. Hồi đó là mùa xuân, mình hay chạy vào chiều tối lúc mặt trời đã xuống và gió mát nhẹ — rất lý tưởng cho chạy bộ. Bình thường mình chạy 10km hết khoảng 46 phút.

Tháng 4 mình và Phong đăng ký một giải chạy 10km phong trào ở Ciputra. Thời gian xuất phát là 4 giờ chiều. Chỉ trước khung giờ mình hay tập khoảng 2 tiếng thôi, nhưng nóng… khủng khiếp. Hôm đó khoảng 31 độ, nhưng trong khu đô thị Ciputra toàn đường nhựa và bê tông, ít cây, nên nhiệt độ thực tế còn cao hơn.

5km ban đầu mình giữ tốc độ 4:30/km nhẹ nhàng, chạy băng băng không vấn đề. Đến nửa sau bỗng dưng thấy xuống sức khó tả, tốc độ giảm rõ rệt. Đến km thứ 8 biết ngay là hỏng rồi. Thở hổn hển, mồ hôi mặn chát mặt, chân lê với tối độ chắc chỉ còn 6:00/km. Sau đó là phải dừng và đi bộ. Chưa kể còn chạy chân đất nên bỏng rát mặt bàn chân.

Tất nhiên là mình vẫn ở giữa thành phố, nếu có gì tệ quá thì vào quán nước ngồi nghỉ rồi đi tiếp cũng không. Nhưng cái mình nhớ nhất lúc đấy là cảm giác nản, như thể đang tự tra tấn bản thân. Mỗi bước đi nặng như đeo chì, và tuy chỉ còn 1km là đến đích nhưng cảm giác như cách xa 10 cây. Nhìn đồng hồ liên tục, thở phì phò, và chân thì cố lết từng bước.

Đây là km cuối cùng.
Phong không giấu nổi đau đớn

Lúc ở vạch đích, mình nhớ có một chị vừa cán vạch đích là lăn ra ngất xỉu. Không rõ chị đấy có bị vấn đề sức khỏe gì nghiêm trọng không, nhưng thực sự là nhiệt độ quá cao cho một giải chạy phong trào. Rất may cự ly chỉ là 5km/10km, chứ nếu có 21 hoặc 42 thì chắc chắn đã có người nguy hiểm tính mạng.

Lạc Trên Núi

Sau sự kiện Ciputra, mình rút ra một bài học quan trọng: nhiệt độ ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng vận động của bản thân. Sốc nhiệt không phải chuyện đùa, nên nếu trước sự kiện thể thao nào mà thấy nhiệt độ quá cao, trong khi cơ thể chưa quen với điều kiện đó, mình hoàn toàn nên cân nhắc việc nghỉ tham gia.

Ngay sau đó 2 tháng là một bài học cũng nhớ đời không kém. Tháng 6 mình rủ tất cả nhân viên đi leo Hàm Lợn (đỉnh núi cao nhất Hà Nội). Buổi đêm hôm trước cả đám thuê lều cắm trại ở hồ, và sáng hôm sau bắt đầu đi bộ leo lên đỉnh.

Thực tếdù là đỉnh này cao nhất Hà Nội nhưng lại không phải là quá khó; rất nhiều người đã leo thành công. Nhưng không hiểu thế nào mà nhóm mình đi lạc, leo đường vòng vèo mất một lúc lâu mới lên được đỉnh.

Lúc bắt đầu leo: thanh niên nào cũng hăm hở.

Đến lúc xuống cả đám lại đi lạc, không xuống thẳng đường mòn mà lại đi xuyên qua rừng. Dự tính ban đầu chỉ mất khoảng 5 tiếng cho cả lên-xuống, nhưng cuối cùng đến hơn 7 tiếng rồi mà vẫn lạc ở trên cao, chưa thấy mặt đất hay nhà dân đâu. Nước trong balô đã cạn kiệt. Nhiệt độ lúc đó 2h trưa giữa tháng 6 không dưới 36 độ.

Thực ra nếu chỉ là mình và Phong thì vẫn có thể chậm rãi đi bộ xuống tiếp được, nhưng đi cùng nhóm là 3 bạn nữ sức khỏe không bằng 2 ông này được (mà thực ra lúc đó mình cũng khá oải rồi. Thiếu nước không phải chuyện đùa.)

Và cảm giác nản tuyệt vọng đó lại ùa đến. Trời nắng như lửa, xung quanh toàn là núi và rừng, cuốc bộ mãi nhưng vẫn lạc không biết hướng nào mới đến được nhà dân; trong túi thì có tiền có kẹo bánh nhưng lại hết sạch nước, trong khi miệng khô như sa mạc. Lúc đấy chỉ lo có bạn nữ nào bị ngất xỉu thì quá đáng tội.

Cuối cùng không còn cách nào khác phải gọi điện cho người dân đến đón. Lúc đấy miêu tả cũng khó, phải dựa vào cảnh quan và la bàn vì không có biển báo dấu mốc gì. Rất may cuối cùng người dân cũng mang nước đến giải cứu cả đám. Mình nhớ rõ lần đó chưa bao giờ uống nước ngon như thế, tu một ực hết chai 1,5L luôn.

Sau lần đấy, mình rút ra thêm một bài học quan trọng khi chuẩn bị đi hiking hay chạy bộ, đó là nước. Không thể biết nếu mình có bị lạc đường hay bị chấn thương bị kẹt một chỗ; luôn cần nước để ít nhất duy trì tỉnh táo đến khi có trợ giúp.

Đừng Đùa Với Thiên Nhiên

Sau đó mình cũng có tham gia một số giải chạy trail trên núi khác, cự ly cao nhất là 35km và cũng có một số đoạn tương đối khó khăn. Tuy nhiên những trải nghiệm của mình không hề là gì so với sự kiện ở Trung Quốc. Nhưng dù thế nào, có một bài học chung vẫn luôn đúng: phải hiểu cơ thể mình, và đừng đùa với thiên nhiên. Quá nhiều thảm kịch đã xảy ra khi con người không coi trọng sức mạnh của thiên nhiên. Bất cứ khi nào rời xa văn minh và đi vào hoang dã, mình luôn phải chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất. Nước, khăn giữ nhiệt, quần áo dự phòng, đèn, còi, v.v…, và nếu thấy tình huống có vẻ xấu đi thì cần ngay lập tức dừng lại tìm chỗ trú. Cẩn tắc vô áy náy, và An toàn là trên hết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *