Dù không phải học giả về văn hóa Việt Nam, nhưng một cái mình thấy khá rõ là xã hội mình có văn hóa hiếu danh nặng. Cái thực chất thường chỉ ở thứ dưới, còn cái danh — cái dễ khoe — luôn được đề cao hơn. Rất may là khi lớn mình đã thoát khỏi được lối suy nghĩ đấy, nhưng thực tế là lúc nhỏ nó có ảnh hưởng rất lớn tới tư duy và con người mình.
Thi Học Sinh Giỏi
Hồi tiểu học mình khá thích học môn Toán, thích giải các bài toán mẹo, toán đố. Hồi đó chưa có Internet, chưa tiếp cận với nhiều tài liệu đa dạng như bây giờ, nên nếu muốn học Toán nâng cao chỉ có mua sách tham khảo. Tạp chí Toán Tuổi Thơ là ấn phẩm mình nghiện nhất; đến ngày xuất bản số nào là phải mua ngay và cầm về làm hết các bài trong một buổi tối luôn. Cái cảm giác vắt óc giải một bài toán, tìm các cách tiếp cận và phương án giải khác nhau, và cuối cùng mở ra so đáp án thấy mình đã giải đúng thực sự là vui khó tả.
Tuy nhiên từ cái lúc mình được giải học sinh giỏi cấp quận (lớp 5) cũng là lúc nếm mùi văn hóa đố kỵ đặc sản Việt Nam. Hồi đó lớp 5, trường tập hợp các bạn học giỏi nhất để thành lập đội tuyển và luyện đấu giải cấp quận. Tất nhiên mình đăng ký ngay và miệt mài học, giải đề Toán đề Văn mỗi ngày. Lúc đấy không nghĩ mình sẽ đại diện thi đấu mang danh tiếng về cho trường gì cả, mà đơn giản là thích học và muốn thử thách mình với những bài khó.
Cuối cùng cả trường có mình được giải ba. Sau khi biết kết quả cô chủ nhiệm mời mình lên tuyên dương trước lớp. Ngay sau đó đến giờ ra chơi là một loạt lời lẽ… khiếm nhã từ các bạn khác trong đội tuyển nhưng không được giải. Có đứa bảo mình ăn may, đứa thì “thằng này được giải xong mặt kênh lên”, đứa thì mắt lườm mắt nguýt nhưng không nói gì. Những bạn không trong đội tuyển thì cũng chỉ vỗ tay chúc mừng rồi thôi, nhưng những đứa cùng đội tuyển thì thái độ thay đổi thấy rõ.
Còn bố mình thì, đúng theo phong cách phụ huynh Việt, đi khoe gia đình về giải học sinh giỏi đó. Và ai cũng chúc mừng “thằng Hà học giỏi quá”.
Với bản thân mình, giải HSG đó đơn giản là một thử thách và nỗ lực cho công sức học tập. Tuy nhiên, dù mới là 1 đứa nhóc 11 tuổi, mình cũng bắt đầu nhận ra là chỉ một cái danh hiệu tí xíu này cũng tạo ra áp lực soi mói, để ý của những người khác.
Học Vì Danh
Và đấy là một trong những trải nghiệm đầu đời để… nếm mùi văn hóa Việt Nam của mình. Mình bắt đầu cảm thấy việc học không còn đơn thuần vì đam mê như trước nữa, mà bây giờ vì muốn chứng tỏ bản thân với đám bạn và muốn “nở mày nở mặt” với gia đình nhiều hơn.
Đây là câu chuyện rất phổ biến ở Việt Nam — đại đa số mọi người học vì chức danh, muốn làm quan, muốn kiếm tiền từ học vị đó. Hiếm ai học chỉ vì đam mê với việc học. Kể cả đa phần các bạn sinh viên học các khối ngành hot như Tài chính, Ngân hàng, IT cũng đều vì mong muốn ra trường kiếm việc lương cao chứ không phải từ đam mê thực lòng.
Sang học kỳ II lớp 5, mình nhất quyết đặt mục tiêu phải thi vào trường Ams. Trường Ams hồi đó là một cái tên huyền bí: ở trường tiểu học làng của mình, đứa nào cũng từng nghe đến tên trường Ams — trường chuyên nổi tiếng nhất Hà Nội, mà các anh chị học ở đấy toàn là siêu nhân đẳng cấp! Càng nghe vậy mình càng bức bối và quyết tâm muốn thi vào Ams.
Mình bắt đầu đi học thêm một lớp luyện thi Toán/Văn vào cấp II Ams (lần đầu tiên trong đời đi học thêm!). Toàn bộ quãng thời gian học thi đó, mình chỉ nghĩ đến một mục tiêu duy nhất: giây phút có thể khoe với bạn bè và gia đình là mình đỗ Ams rồi! Thế đó — học thi chẳng phải vì lý do hay ho gì; đơn giản là muốn khoe vì cái danh tên trường.
Trường mình có kha khá bạn đăng ký thi Ams nhưng cuối cùng chỉ có mình đỗ. Vẫn nhớ như in hôm đó mùa hè 2004 về quê Thái Bình chơi, bố gọi điện về báo “chúc mừng cậu đỗ Ams rồi”. Chưa kịp dập máy mình đã chạy ầm ầm quanh sân la hét ?
Tất nhiên đến lúc vào Ams thì cũng dần quay trở lại thực tế, cũng nhận ra nó cũng chỉ là một ngôi trường bình thường như bao trường khác. Lớp học cũng có đứa chăm học đứa ham chơi phá phách (mình lại chơi với nhóm chăm chơi chứ không phải nhóm chăm học). Cái danh “Ams” cũng dần bị trôi đi trong tiềm thức.
Giấc Mơ Harvard
Hồi lớp 7 mình có xem Chuyện Tình Harvard trên TV. Bây giờ thì không nhớ tí nội dung nào (chỉ nhớ là một câu chuyện tình ở Harvard), nhưng hồi đó xem thấy cuốn hút và xúc động lắm. Dần dần bắt đầu thấy cái tên Harvard cũng… huyền bí, hay ho đấy.
Sau đó nhìn đâu cũng thấy cái chữ Harvard. Ra hiệu sách thấy Cô Gái Harvard, Em Phải Đến Harvard Học Kinh Tế, rồi Những Điều Harvard Không Dạy Bạn. Mở Kenh14 ra thấy bài phỏng vấn nữ sinh Việt được học bổng 100% vào Harvard.
Máu háo danh lại nổi lên. Mình đặt một mục tiêu là phải vào được Harvard — không gì có thể hơn được quyền khoe khoang này ? Hồi đó mình vừa học vừa mơ tưởng về một ngày nhận giấy trúng tuyển và có thể khoe trên facebook về việc được nhận vào Harvard.
Năm cuối cấp ở New Zealand, mình mua sách về cách nộp hồ sơ vào Harvard, sách tham khảo về các bài luận thành công. Đăng ký thi SAT, làm tất cả các bước cần thiết để hoàn thành hồ sơ. Và nghĩ lại thấy cũng tài, hồi đó chỉ có tự mày mò lên VietAbroader (diễn đàn du học sinh Việt), lên các nguồn tham khảo hướng dẫn Internet, chứ chẳng hỏi hay nhờ ai tư vấn cả.
Đến gần cuối năm mình nộp hồ sơ vào Harvard cho đợt Early Decision (Quyết định nhập học sớm). Đại học Mỹ có 2 đợt nhận hồ sơ: Early Decision tháng 12 và Regular Decision tháng 4. Thí sinh đăng ký ED thường sẽ chọn trường ưu tiên của mình.
Kết quả về. Mình được vào waitlist của Harvard (waitlist là khi trường thấy ứng viên chưa phù hợp hoàn toàn nhưng vẫn có tiềm năng, và họ để vào một “danh sách chờ” để nếu thiếu sinh viên thì sẽ gọi. Giống như ngồi dự bị của một đội bóng).
Lúc đó buồn rũ rượi, vì tỉ lệ được chuyển từ waitlist lên được nhận là không cao. Thế là đi tong giấc mơ Harvard. (Thực ra công bằng nhìn lại thì thấy đa phần thí sinh nộp vào Harvard đều bị từ chối thẳng thừng, nên mình được waitlist cũng không hề tệ!)
Mình nhớ khá rõ hôm đấy, sau khi nhận email báo kết quả là tâm trạng tụt hẳn xuống. Mở facebook ra lướt trong vô thức. Thấy cuộc sống vẫn… tiếp diễn. Mọi người vẫn đi du lịch, đi ăn uống, chia sẻ status, vẫn like và comment ảnh của nhau. Vẫn quan tâm đến cuộc sống của họ trên hết.
Từ đấy mình cũng dần nhận ra, là dù mình có đăng status khoe là được vào Harvard đi nữa, thì tất cả những hoạt động của những người khác vẫn sẽ… diễn ra. Cái thay đổi duy nhất là mình sẽ nhận được một số lượng like và comment chúc mừng (sẽ chiếm khoảng 10 giây cuộc đời người ta). Rồi sau đó ảnh của mình sẽ trôi đi trong bảng tin, rồi người ta cũng quay lại với cuộc sống của mình.
Có Ai Quan Tâm Không?
Từ ngày nhận được từ chối đó trở đi, mình nhận ra quãng thời gian bị ám ảnh bởi việc theo đuổi danh tiếng một ngôi trường xa lạ cách nửa vòng trái đất — mà mình không hề biết chút gì ngoại trừ cái tên — thực sự không hề tốt cho mình chút nào. Cuối cùng thì có ai quan tâm không?
Hồi ở New Zealand, mọi người đều rất thoải mái với bất cứ quyết định của nhau. Kỳ học cuối lớp 12 các bạn ngồi nói chuyện chia sẻ về dự định tương lai. Có người sẽ đi học nghề, có người đi tình nguyện ở nước ngoài, người học lên đại học, người đi du lịch gap year, người ở nhà 1 thời gian để xem xét bước đi tiếp theo. Nhưng tuyệt nhiên không có sự đánh giá hay khen ngợi, đố kỵ nào quá đà — tất cả đều rất thoải mái với quyết định của nhau. Và càng không có chuyện bố mẹ đặt kỳ vọng, áp lực cho các bạn phải thi vào trường này hay trường kia. Khi mình nói là muốn vào Harvard thì các bạn khác cũng chỉ “Cool” ?. Chỉ mong dần dần Việt Nam tiến bộ hơn và bỏ được cái văn hóa hiếu danh, soi mói đố kỵ này.
Đến giờ đã 10 năm trôi qua, mình cảm thấy đã bỏ xa cái suy nghĩ làm để được khen ngợi, để khoe danh hão đấy lâu lắm rồi. Bây giờ thì thực sự mình không hề quan tâm đến việc được người khác công nhận hay khen ngợi nữa. Nhưng nhìn lại thì cũng nhờ quãng thời gian hiếu danh hiếu thắng đấy mà mình nhận ra được nhiều bài học quan trọng về khả năng và hạn chế của bản thân, và về cách nhìn nhận cuộc sống — xem cái gì thực sự là quan trọng với mình, là đáng để mình làm và theo đuổi.